Mối nguy hiểm khi bệnh nhân bị bỏ quên gạc y tế trong cơ thể

ngày 03/03/2021

10 tuần sau khi Geraldine Nicholson (ở Lumber Bridge, North Carolina, Mỹ) phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư, các bác sĩ phát hiện cơ thể bệnh nhân này còn sót lại miếng gạc y tế trong bụng.

Sau đó, người phụ nữ 56 tuổi phải vật lộn với bệnh nhiễm trùng suốt một năm. Căn bệnh đến bất ngờ khiến Nicholson không thể tiếp tục điều trị hóa chất, xạ trị ung thư. Cuối cùng, bà qua đời.

Nicholson chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân bị nhiễm trùng, biến chứng và các tình trạng khác liên quan gạc, dụng cụ y tế bị bỏ quên trong cơ thể khi phẫu thuật. Nó tồn tại trong cơ thể bệnh nhân nhiều năm mà không được phát hiện, khiến họ phải trải qua đau đớn, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.

Hàng nghìn người ở Mỹ bị bỏ quên dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể

Theo CNN, thống kê từ Hiệp hội American College of Surgeons đã cho thấy mỗi năm quốc gia này có từ 4.500 đến 6.000 trường hợp bác sĩ bỏ quên dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể bệnh nhân.

Năm 2003, một nghiên cứu trên tạp chí y khoa New England thống kê khoảng 70% dụng cụ y tế còn sót lại trong cơ thể bệnh nhân là băng gạc. 30% còn lại là các dụng cụ phẫu thuật như kẹp, kim, chỉ khâu…

Nghiên cứu của Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy tình trạng bỏ quên dụng cụ phẫu thuật hoặc dị vật trong cơ thể bệnh nhân khi phẫu thuật xảy ra với tỷ lệ 1/5.500-7.000 trường hợp. Khoảng 10% vật dụng bị bỏ lại là kim phẫu thuật. Khoảng 2% các sự cố gây tử vong.

Năm 2010, các bác sĩ tại Mỹ thực hiện khoảng 51,4 triệu ca phẫu thuật nội trú. Với con số này, tình trạng bỏ quên dị vật trong cơ thể bệnh nhân tại Mỹ được đánh giá là hiếm gặp nhưng nó để lại hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh nhân bị bỏ quên dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng, áp-xe, thậm chí tử vong. Ảnh: Freepik.

Biến chứng

Các dị vật thường nằm trong ổ bụng, khung chậu, khoang sau phúc mạc. Tấm gạc y tế có thể tồn tại trong cơ thể nhiều ngày, vài tháng, thậm chí vài năm trước khi gây những phản ứng viêm. Ngoài ra, các dụng cụ phẫu thuật như kẹp, ống rút, điện cực, ống dẫn lưu cũng có thể bị bỏ lại trong cơ thể sau khi mổ, đặc biệt là khoang bụng.

Bệnh nhân khi bị bỏ quên gạc, dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể sẽ gặp phải tình trạng đau đớn, mất máu, khó chịu, đầy hơi, áp-xe, nhiễm trùng, thủng ruột, phải phẫu thuật bổ sung để loại bỏ dị vật. Những quá trình này đều khiến họ đau đớn về thể chất và tinh thần, nhất là khi các dị vật tồn tại trong cơ thể trong thời gian dài. Thậm chí, nhiều người tử vong vì miếng gạc y tế, chỉ khâu, kéo… bị bỏ quên trong cơ thể sau khi phẫu thuật.

Năm 2018, tại Tennessee, Mỹ, một bác sĩ bị kiện vì bỏ quên chiếc kim trong cơ thể bệnh nhân. Nạn nhân là ông John Burns Johnson, 73 tuổi, ở thành phố Lafayette, hạt Macon, Tennessee, tử vong sau một tháng phẫu thuật van tim.

Gia đình ông Johnson cho hay sức khỏe của bệnh nhân ngày càng tồi tệ sau khi chiếc kim phẫu thuật bị bỏ quên trong cơ thể và bác sĩ không thể tìm thấy nó.

Ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 5/2017. Sau khoảng 9 giờ trên bàn mổ, một bác sĩ đã đóng lồng ngực của ông Johnson. Tuy nhiên, sau đó, họ phát hiện dụng cụ phẫu thuật thiếu đi một cây kim khâu. Ảnh chụp X-quang cho thấy chiếc kim đã vô tình ở lại bên trong cơ thể bệnh nhân 73 tuổi.

Các bác sĩ phẫu thuật sau đó buộc phải mở khoang ngực của ông Johnson lần thứ 2 để lấy chiếc kim ra. Tuy nhiên, họ không thể tìm thấy hay loại bỏ dị vật này. Sau 3 giờ phẫu thuật, ê-kíp đóng khoang ngực bệnh nhân và chiếc kim vẫn trong cơ thể của ông. Cây kim cuối cùng được rút ra sau một tháng nạn nhân tử vong, khi các chuyên gia khám nghiệm tử thi.

Kiểm tra 5 lần các dụng cụ phẫu thuật là yêu cầu bắt buộc tại Mỹ để tránh tình trạng bỏ quên dị vật trong cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Freepik.

Nguy hiểm của một chiếc kim hay kéo bị bỏ quên trong cơ thể rất rõ ràng, đó là gây thủng ruột và các cơ quan khác. Tuy nhiên, miếng gạc mềm, mịn, nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Tiến sĩ Atul Gawade, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Brigham and Women (Anh), cho biết: “Khoảng 2/3 trường hợp bị bỏ quên dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể gặp phải hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, chúng tôi từng nghiên cứu trường hợp miếng gạc nhỏ bên trong não một nữ bệnh nhân. Nó khiến bà bị nhiễm trùng nặng và không thể qua khỏi”.

Những sai lầm này nghiêm trọng đến mức chúng được xếp vào “sự kiện không bao giờ được để xảy ra”. Tiến sĩ Ana McKee, Phó chủ tịch Ủy ban hỗ trợ y tế Mỹ, lý giải hiện tượng này gây ra hoàn toàn là lỗi của con người.

Năm 2015, Hiệp hội Y tá Phòng mổ tại Mỹ đã công bố khuyến cáo yêu cầu nhân viên, ê-kíp mổ phải kiểm tra dụng cụ phẫu thuật, bông, băng gạc ít nhất 5 lần: Trước khi mổ (kiểm đầu); mỗi khi vật dụng mới nào đó được sử dụng; trước khi bác sĩ phẫu thuật mổ; giai đoạn khâu vết thương; bác sĩ phẫu thuật kết thúc cuộc mổ (kiểm cuối).

Theo ông Gawande, mỗi ca mổ có thể sử dụng từ 50 đến 100 miếng băng gạc là chuyện bình thường. Vì vậy, việc đếm lại nhiều lần để tránh sai sót cho bệnh nhân là điều bắt buộc phải làm. Một số bệnh viện tại Mỹ giảm sai sót bằng cách sử dụng băng gạc có mã vạch riêng.

Nguồn Zing