Khoa Da liễu, ĐH Y Hà Nội mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ ngoài 20 tuổi đến khám trong tình trạng mặt nổi chi chít mụn trứng cá sau khi dùng kem chống nắng tự chế có thành phần dầu dừa.
Cô gái cho biết, với mong muốn có làn da mịn màng, sáng bóng nên đã bôi kem chống nắng tự chế có thành phần dầu dừa thường xuyên. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày làn da của cô bắt đầu nổi mụn chi chít, các nốt mụn cứ thế mẩn đỏ và có dấu hiệu mưng mủ.
BS. Hoàng Văn Tâm, giảng viên bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đây chỉ là một ví dụ điển hình của việc bị biến chứng sau khi sử dụng kem chống nắng tự chế. Hiện trào lưu làm kem chống nắng tại nhà đang được các chị em chia sẻ, thực hiện một cách rầm rộ.
Chỉ cần lên google tìm từ khóa “cách làm kem chống nắng tại nhà” sẽ ra 22 triệu kết quả. Đây là một con số khổng lồ cho thấy mọi người rất quan tâm tới làm đẹp bằng các sản phẩm tự nhiên.
Theo công thức được mọi người chia sẻ thì thành phần của kem chống nắng tự làm gồm: các loại dầu tự nhiên (dầu dừa, chanh, dầu bưởi, dầu lavender, dầu mâm xôi…); thêm bơ hạt, sữa dưỡng ẩm; sáp ong chống nước, chống mồ hôi.
Mọi người tin rằng khi làm ra sản phẩm kem chống nắng từ thành phần tự nhiên này không chỉ có tác dụng chống nắng, ngăn chặn tia UV xâm nhập vào da mà còn có tác dụng dưỡng da, tránh được tác dụng không mong muốn như khi dùng các sản phẩm kem chống nắng hóa học.
Tuy nhiên, theo BS. Tâm, các thành phần tự nhiên trong kem chống nắng tự chế mặc dù có tác dụng chống nắng nhưng ở mức độ thấp. Ví dụ ở dầu dừa chỉ số SPF (có khả năng chống lại tia UV) ở mức 1-7; bơ hạt mỡ và dầu lavender chỉ số SPF<6. Dầu cây mâm xôi, nước cà rốt chỉ số chống nắng có thể cao hơn khoảng 30. Nhưng kem chống nắng tự chế không cung cấp chính xác chỉ số SPF nên khả năng bị bỏng nắng không đoán trước được.
“Nghiêm trọng hơn, các thành phần trong kem chống nắng tự chế có thể gây nên nhiều tác dụng phụ. Các loại dầu gây mụn, nhân trứng cá, viêm da tiếp xúc dị ứng. Đặc biệt dầu dừa và dầu ô liu làm trứng cá nặng nề hơn”, BS Tâm cho biết.
Với trường hợp nữ bệnh nhân trên, BS. Tâm cho biết sẽ phải điều trị trong vài tuần tới vài tháng mới khỏi những mụn mủ. “Tàn dư” để lại sẽ là những vết sẹo thâm của trứng cá.
Để tránh gặp phải những biến chứng do các thành phần trong kem chống nắng tự chế mang lại, BS. Tâm khuyến cáo: Kem chống nắng tự chế không hoàn toàn có tác dụng bảo vệ da khỏi nắng mùa hè. Mọi người cần cân nhắc khi dùng kem chống nắng tự chế.
“Ngoài những tác dụng phụ của các loại dầu trong sản phẩm (mụn, trứng cá, viêm da…) thì về thẩm mỹ, khi dùng kem chống nắng tự chế không giúp làn da của bạn tươi trẻ hơn mà làm cho da của bạn trông bóng nhờn”, BS. Tâm nói.
Với các loại kem chống nắng thông thường, để sử dụng mang lại hiệu quả chống nắng tuyệt đối, theo các bác sĩ da liễu, mọi người nên bôi đủ liều lượng lúc ban đầu là quan trọng nhất. Đồng thời, bôi lại ngay sau tắm, sau khi ra nhiều mồ hôi và sau mỗi 2-3 tiếng. Với da bóng nhờn thì tẩy trang, rửa mặt đi bôi lại từ đầu hoặc bù lượng đã mất. Mọi người nên bôi trước khi ra nắng 15-20 phút.
Ngoài ra, BS Tâm cũng lưu ý, mọi người trong đó có chị em song song với sử dụng kem chống nắng cần kết hợp các biện pháp chống nắng khác (đội mũ, đeo kính, mặc áo..) để bảo vệ làn da của mình.