Kỳ cục truyền dịch cấp cứu… cây cam!

ngày 10/09/2020

Anh Bùi Văn Tuyến ở xóm Quáng Ngoài, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong đang truyền thuốc cho cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Loang nhanh như một cơn gió

Bệnh vàng lá đang lan tràn như một cơn gió trên nhiều nhà vườn ở tỉnh trồng nhiều cam nhất miền Bắc này, trên 5.000ha.

Anh Bùi Văn Tuyến ở xóm Quáng Ngoài, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong vừa cầm khoan tay khoét sâu một lỗ trên thân cây vừa cắm dây dịch truyền cho tôi biết: “Phải khoan chếch ngược mũi lên để nếu có mưa xuống nước cũng chảy ra ngoài, miệng ngoài rộng nhưng bên trong nhỏ dần sao cho dây dẫn thuốc cắm vừa khít mới là chuẩn”.

Nhà anh có 1,5ha cam gồm 3 lứa tuổi, 5, 7, 9 năm trên 3 giống là cam Canh, Lòng vàng, V2. Trước chứng bệnh vàng lá rất khó trị, mấy năm trước người dân đành phải tự mày mò thử nghiệm truyền cho cây thuốc Tetaxilin - một loại kháng sinh dùng cho người.

Lúc đầu bằng chai truyền nước và dây truyền nước của người mua ở hiệu thuốc tây nhưng chảy rất chậm, phải cỡ 1 tháng mới hết cho nên không hiệu quả. Sau đó, anh Tuyến đã thử cải tiến bằng cách dùng chai Coca loại 1,5 lít, đục lỗ ở nắp, nhét một cái van xe đạp vào rồi dùng dây truyền dẫn loại to hơn, khi truyền phải bơm nén khí vào để tạo áp lực. Tốc độ mỗi buổi cũng thực hiện được khoảng 50 cây.

Khoan lỗ để truyền thuốc cho cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm đầu tiên làm thử vài cây nhưng lá vẫn vàng, nghĩ là nó thiếu chất, anh đưa lên miệng thử nhấm dung dịch thấy đắng quá nên mới bổ sung thêm đường gluco và cả thuốc bổ B1 vào.

“Cùng là 300ml nước, 4 thìa đường gluco, 10 viên thuốc B1 hòa vào một chai nhưng cây bị bệnh thì hút rất nhanh, chỉ 1 - 2 tiếng là hết, còn cây không bị bệnh thuốc ngấm chậm, có khi mất cả tuần. Kể từ khi truyền như thế, biểu hiện bệnh thấy thuyên giảm nên tôi mới truyền cho tất cả các cây trong vườn, mỗi năm một lần, thời điểm thích hợp nhất là từ tháng 9 - 11 bởi đó là lúc cây chuẩn bị ngủ đông, “ăn” ít. Tôi còn mách cho chị gái là Bùi Thị Tâm năm ngoái thử truyền cho hơn 100 cây, năm nay do chưa bị nên chưa phải truyền tiếp”.

Vụ năm 2018 nhà anh Tuyến thu 500 triệu, vụ 2019 chỉ thu được 250 triệu phần bởi giá cam rẻ, phần bởi bệnh vàng lá làm cho giảm năng suất. Nhưng thế cũng đã là may mắn lắm so với nhiều nhà vườn khác trong xã.

Cũng là do cùng quẫn mà phải truyền thuốc nhưng mỗi người làm một công thức thuốc, một kiểu truyền khác nhau, hễ hứng lên là truyền, chẳng theo một quy luật nào cả nên phần lớn đều vứt cả chai lẫn ống truyền chỉ sau một vụ áp dụng.

Những loại thuốc, đường mà anh Tuyến truyền cho cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những đống củi xếp ở góc vườn

Anh Bùi Quang Bệ - Chủ tịch xã Hợp Phong cho tôi xem bảng thống kê diện tích cây ăn quả có múi của địa phương mình với tổng diện tích 331ha, phần lớn là cam, trong đó diện tích không hiệu quả, dự kiến phá bỏ lên tới 102ha.

“Phải đến 50% là bệnh vàng lá, rất khó khắc phục đặc biệt ở diện tích cam non mới trồng 4 - 5 năm tuổi. Cam xuống giá lại bệnh tật thế này càng làm người dân lại càng mắc nợ”, anh Bệ nói.

Lúc tôi đến, vườn nhà anh Bùi Thanh Long ở xóm Chằng Ngoài có hơn 600 gốc cam thì đã phải cưa trên 100 gốc, đống củi xếp cao có ngọn ở một góc để đun dần. Anh bảo, riêng vụ rồi lỗ mất hơn 100 triệu nên đang phải tranh thủ đi làm phụ hồ để trả nợ, không biết bao giờ mới xong.

Còn nhà chị Trần Thị Hằng ở khu trung tâm xã thì mới phá bỏ một vườn cam Canh có tuổi đời 10 năm rộng 1ha, chỉ để lại 1,5ha cam Lòng vàng 5 năm tuổi.

Đống củi cam trong vườn nhà anh Bùi Thanh Long ở xóm Chằng Ngoài. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Cam rất sai quả, từ khi đậu đến chừng tháng 8 vẫn rất đẹp nhưng sau đó đến tháng 10 thì vàng dần nhưng không thể chín nổi, ăn nhạt như nước lã, chúng tôi thường gọi là bị “beo”. Cam beo bán dọn vườn 2.000 đồng/kg mà không đắt, phải vứt bỏ đầy ngoài bờ. Cũng may là nhà tôi còn 1,5ha cam Lòng vàng vẫn cho thu hoạch, quả khá đẹp nhưng giá bán rất rẻ, trước được 30.000 đồng/kg, giờ chỉ 10.000 đồng/kg.

Vườn nào xấu, năn nỉ thợ còn không chịu vào cắt cho nên phải tự mình đem đi bán lẻ, ế ẩm lắm. Chưa hết, đại lý sẽ không bán chịu phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho nữa nên bệnh càng nặng, càng nhanh tàn.

Năm nay mía giá rẻ, cam vừa giá rẻ vừa bị bệnh khiến mọi nguồn thu chẳng có, thanh niên trai tráng buộc phải bỏ xứ đi làm công nhân, làm thuê hết, chỉ còn những ai ngoài 40 tuổi, không nơi nào nhận mới phải ở lại làm vườn”, chị Hằng cho biết.

Màu vàng nhức mắt ở vùng thủ phủ

Màu vàng trong vườn nhà ông Nguyễn Thế Bình - Phó Chủ tịch Hội trồng cam thị trấn Cao Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói đến cam phải nói đến thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, nơi có diện tích lớn nhất với hơn 700ha tại chỗ và khoảng 400ha người dân đi thuê đất hay liên kết ở các nơi.

Ngồi bệt trong một quán nước vỉa hè, anh Nguyễn Đình Bang - Chủ tịch Hội nông dân thị trấn vừa quệt mồ hôi vừa tóm tắt nhanh với tôi tình hình: Bệnh vàng lá diễn ra khoảng 5 năm nay nhưng 2019 và 2020 là nặng nhất, ước khoảng 50%, một số vườn đã xóa sổ hoàn toàn như vườn 3ha trồng năm thứ 3 của ông Tạ Đình Đào ở khu 6.

Có rất nhiều đoàn khoa học trong nước đã về đây khảo sát, chữa bệnh kể cả mách cho dân cách truyền nước, truyền thuốc nhưng vẫn thất bại. Không chỉ thế, năm ngoái còn có đoàn chuyên gia của Nga muốn sang nhưng thủ tục rườm rà nên họ đã bỏ cuộc”.

Nghe đến đây, ông Nguyễn Thế Bình - Phó Chủ tịch Hội trồng cam thị trấn mới thủng thẳng nói: “Theo tôi ước tính tỷ lệ bệnh vàng lá còn hơn đấy, đa số là loại mới trồng, thu vụ đầu là hỏng luôn. Tôi nghĩ là do giống, người ta toàn lấy cây bưởi đỏ, bưởi da xanh, bưởi Diễn làm cây nền để ghép mà các giống ấy cây rất kém không được khỏe như cây bưởi chua.

Dân mình chết ở chỗ toàn giống Hưng Yên mang lên hay Xuân Mai (Hà Nội) ghép mang lên. Những vườn trồng bằng cây ghép từ bưởi chua bị chết không nhiều. Vùng này sở dĩ cam còn sống được bởi đầu tư rất nhiều phân bón và thuốc.

Nếu đúng tiêu chuẩn, chúng tôi phải đánh thuốc 24 lần/năm, chủ yếu là thuốc sinh học vì thuốc hóa học độc hại giờ đây ít người dám dùng. Như năm nay người dân thấy giá cả thấp, đầu tư kém nên cam bệnh càng nặng, loét gần hết”.

Ba quả cam nhỏ hơn, bên trái là cam "beo". Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn nhà ông Bình thuộc vào tốp đầu của thị trấn với trên 10ha, mỗi năm trung bình thu 500 tấn gồm cam Lòng vàng, cam V2, cam Canh, cam mát.

“Hiện 50% đã bị bệnh trong đó 3ha vườn mới trồng ở khu Tân Phong hỏng hoàn toàn, còn vườn cam cũ thì hỏng từng cây, từng chòm. Quả cam sinh ra từ cây bị bệnh gọi là cam beo mà dân miền Trung gọi là cam ngơ, chất lượng chỉ bằng 1/10 so với quả cam bình thường, bán cực rẻ thậm chí là 'cho không đắt'.

Năm ngoái lượng cam beo của tôi hơn 50 tấn, lượng cam thường 300 tấn nên bán xong thì hòa vốn. Còn năm nay ngoài 3ha mới trồng hỏng hẳn không tính, vườn cam cũ này cũng phải 30 - 40 tấn cam ngơ, 250 tấn cam thường, chắc chắn là thua lỗ”.

Ngồi sau xe máy của anh Chủ tịch Hội nông dân thị trấn, tôi đi khảo sát một vòng. Một màu vàng vọt trải dài trong nắng thu, cả một hai cây số xuyên qua trong vùng chuyên canh mà tịnh không thấy một nhà vườn nào còn đẹp.

Vườn cam non đã bị vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn cam bỏ hoang, cỏ mọc um tùm

Chỉ cho tôi khu đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cạnh vườn nhà mình, anh Nguyễn Đình Bang bảo trước đó nó cũng là một vườn cam, giờ bị bệnh nặng nên chủ đã chặt hết. Ngay cả vườn cam non mới chừng 2 năm tuổi của ông Chủ tịch Hội đang cắm biển “Mô hình triển khai ứng dụng chế phẩm sinh học tổng hợp kiểm soát bệnh vàng lá, thối rễ…” cũng lác đác ngọn xanh, ngọn vàng không có nhiều hi vọng.

“Tai hại của bệnh này là năm thứ nhất, thứ hai cây lên rất đẹp, năm thứ ba cây hơi chững một tí nhưng vẫn đẹp, sang năm thứ tư ra quả bói cái là vứt đi luôn. Có vườn chưa được thu một quả nào đã hỏng, phải phá rồi”, anh Bang nói.

Anh Nguyễn Văn Minh - khuyến nông viên của thị trấn có vườn cam rộng 1,2ha ở khu bãi tập thì khoảng 50% đang bị bệnh vàng lá. Sau khi đã thử rất nhiều loại thuốc, phân bón, cách chăm sóc như kích rễ, đánh nấm các kiểu anh cay đắng bảo vườn cây này đang thiếu chất sắt tức cần… lưỡi dao phát ngang thân.

“Dịch bệnh này xác định là không thể chữa được, cây nào bị vàng đành phải bỏ. Vườn nhà tôi nhiều cây đã gần như chết đứng, nếu nhổ gốc lên, tuốt cái là thấy rễ đã bị thối hết”.

Khu trang trại rộng 3,5ha của anh Đoàn Ngọc Thắng đang cửa đóng, then cài, bỏ mặc cả tháng không muốn chăm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đối diện là khu trang trại rộng 3,5ha của anh Đoàn Ngọc Thắng đang cửa đóng, then cài cả tháng nay, tường rào nhiều chỗ đã võng sệ hẳn xuống. Minh bấm điện thoại để báo cho chủ nhân thì anh này bảo cứ thỉnh thoảng nhờ hàng xóm đảo mắt trông hộ chứ còn mình bận lắm. Hình như anh đã quá chán nản với căn bệnh nan y của khu vườn này.

Tiêm kháng sinh cho cây: Đài Loan đã làm

Khi cam, bưởi bị bệnh vàng lá gân xanh (vàng lá Greening) thì người ta có thể tiêm tetracylin. Đây là cách mà bên Đài Loan họ áp dụng đã khá lâu.

Nhưng nên khuyến cáo nông dân đi thử dư lượng kháng sinh trong trái. Còn về nguyên tắc, đối với bệnh này, phải dùng cây sạch bệnh, sau khi trồng tiếp tục giữ cho cây tiếp tục sạch bệnh, bằng cách trừ côn trùng truyền bệnh là rầy chổng cánh.

Truyền kháng sinh cho cây có múi ở Đài Loan.

Bệnh vàng lá Greening do vi khuẩn Candidatus Liberibacter gây ra.

Năm 1994, bệnh này xuất hiện trên cây có múi ở nước ta, lan truyền nhanh ở các tỉnh ĐBSCL.

Lúc đó, không ai rõ tác nhân gây bệnh là gì. Người nói do nấm, người nói do ngập nước, do thiếu kẽm... Nhiều vườn cam, bưởi Năm Roi ở Cần Thơ, Vĩnh Long lúc đó phải cưa bỏ.

Đứng trước thực trạng như vậy, tháng 3/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời chuyên gia Cu Ba giúp. Tiếc thay, các chuyên gia Cu Ba và chuyên gia Việt Nam lúc đó chưa thể xác định được tác nhân gây bệnh.

Đến tháng 11/1994, chỉ 6 tháng sau khi thành lập, Trung tâm Cây ăn quả Long Định (Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam) tổ chức hội thảo quốc tế về bệnh này. Lúc đó, chuyên gia CIRAD của Pháp là ông Aubert, biết rõ bệnh này vì trước đó vài năm ông đã được FAO nhờ đi giúp các nước Đông Nam Á.

Ông Aubert xác định ngay với triệu chứng như vậy là bệnh Greening. Ông cũng nói cách phòng bệnh là sản xuất cây sạch bệnh, sau khi đưa ra đồng phải cố gắng giữ cho cây tiếp tục sạch bệnh.

Đến nay, việc phòng chống bệnh vàng lá Greening trên cây có múi vẫn theo nguyên tắc như vậy: sản xuất cây sạch bệnh cho người dân trồng và hướng dẫn người dân trừ rầy chổng cánh hiệu quả để cắt đứt nguồn lây truyền bệnh.

Việc tiêm kháng sinh là để hạn chế bệnh phát triển cả cây, như bên Đài Loan họ làm, nhưng có vấn đề là lưu tồn chất kháng sinh nên phương pháp này phải hết sức thận trọng, xem xét có nên khuyến cáo không?

Một loại bệnh vàng lá cây có múi khác là vàng lá thối rễ.

Bệnh vàng lá thổi rễ xuất hiện nhiều gần đây trên chanh, bưởi, cam, quýt. Bệnh do nấm FUSARIUM gây ra (Dương Minh, 2010). Trước khi nấm tấn công rễ gây thối rễ, tuyến trùng và rệp sáp tấn công trước làm hư rễ, khiến nấm bệnh dễ dàng xâm nhập.

Đối với bệnh này, phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp tấn công rễ cây, gây vết thương bằng các loại nấm sinh học. Đối với nấm Fusarium may là có giống bưởi Lông ở vùng Cái Bè, Tiền Giang, tỏ ra chống chịu tốt. Để phòng bệnh này, theo tôi, nên dùng giống bưởi Lông làm gốc ghép. Nếu đã trồng rồi, có thể ghép thêm gốc ghép bưởi Lông để giúp cây chống chịu tốt với nấm Fusarium. Ngoài giống chống chịu, nên dùng nấm đổi kháng nấm Fusarium như Tricoderma, Baciluss để phòng bệnh…

(PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam)


Nguồn: Báo Nông Nghiệp