Không chủ quan với bệnh nhân tái dương tính SARS-CoV-2

ngày 28/04/2020

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia, hiện Việt Nam có 8 bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau khi khỏi bệnh. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết về lý thuyết, bệnh nhân dương tính có thể lây bệnh cho người khác.

Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện ra những ca lây nhiễm từ những bệnh nhân tái dương tính này. Điều này cũng phù hợp với thực tế và nghiên cứu tại Hàn Quốc, nơi đã có hơn 160 ca tái dương tính.

“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không nên chủ quan do virus SARS-CoV-2 rất mới, "rất biến ảo", khó lường”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Trước đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Tiểu ban Điều trị đã có Công văn số 507/KCB-QLCT&CĐT ngày 15-4 yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19 theo dõi xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người bệnh COVID-19 đã ra viện. Cụ thể, tiếp tục có các biện pháp chỉ đạo mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn để kiểm tra, quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe của người mắc COVID -19 sau khi ra viện.

Khi kết thúc 14 ngày cách ly tại nhà của người bệnh COVID -19 kể từ ngày ra viện, bệnh viện đã điều trị người bệnh phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương, cơ quan y tế và đơn vị liên quan nơi người bệnh cư trú tiến hành xét nghiệm lại cho người bệnh (bằng kỹ thuật RT-PCR).

Trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính COVID-19 là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh). PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, phương pháp PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gen của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người.

Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ). Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thời gian ngắn, vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo. Nhưng, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, dễ nhầm và bỏ sót. Vì vậy, phương pháp PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm phát hiện PCR và xét nghiệm xét nghiệm nhanh sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2.


Nguồn: Báo Tiền Phong