Sáng 19/12, sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An) ra viện sau 5 ngày sinh con tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Đây là trường hợp đầu tiên sinh con trong số 14 ca đã được mổ can thiệp y học bào thai (đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp, sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng) tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Can thiệp từ “trứng nước”
Chị Hường cho hay đây là lần mang thai thứ hai của mình. Bé gái đầu của chị 5 tuổi. Ở tuần thai 12, chị đi khám tại phòng khám ở Hưng Yên (nơi hai vợ chồng đang làm công nhân). Chị được thông báo mang song thai, nhưng một thai đã lưu.
“Bác sĩ bảo một thai đã bị lưu và sẽ dần tiêu đi. Nhưng ngược lại, thai này ngày càng phát triển và to hơn thai còn lại khiến tôi rất lo lắng. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tôi được phát hiện mắc hội chứng rất nguy hiểm và hiếm gặp”, chị Hường kể.
BSCK I Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh - cho hay khi tiếp nhận trường hợp này, bác sĩ nhanh chóng xác định chị Hường mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim.
“Với những trường hợp song thai chung bánh rau, tức chung nguồn dinh dưỡng, nếu không được chẩn đoán sớm, sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm. Trường hợp này là biến chứng song thai không tim. Một thai vẫn phát triển, một thai được tuyến dưới xác định là lưu, nhưng thực chất, thai này vẫn có các mạch máu, tuần hoàn bình thường. Do đó, nó lấy dinh dưỡng từ thai đang phát triển, khiến thai bình thường có nguy cơ lưu vì mất máu”, bác sĩ Sim giải thích.
Ở tuần 26, trước tình trạng nguy cấp khi thai còn lại của sản phụ Hường có nguy cơ lưu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thực hiện mổ can thiệp bào thai. Ca mổ can thiệp nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai hỏng, giữ em bé còn lại trong bụng lâu nhất có thể.
“Sau ca can thiệp, sản phụ Hường được giữ lại viện để dưỡng thai vì cổ tử cung quá ngắn, cơ địa yếu, có nguy cơ đẻ non. Quá trình giữ thai cho sản phụ này rất gian nan, thậm chí phải dùng những loại thuốc đắt nhất thế giới hiện nay. May mắn, đến tuần 33, sản phụ mới bị rỉ ối, chuyển dạ và nhanh chóng được mổ lấy thai ngay đêm 14/12. Thai nhi nặng 1,2 kg, hiện phát triển tốt, có thể ra viện trong tuần tới”, bác sĩ Sim kể lại.
Sau khi bắt thai nhi khỏe mạnh, các bác sĩ tiến hành lấy khối thai không tim, lúc này đã phù to gấp đôi thai khỏe mạnh. Do đó, đòi hỏi bác sĩ phải có kỹ thuật, nếu không cẩn thận, khối thai sẽ khiến sản phụ vỡ tử cung, chảy máu.
Cẩn trọng khi mang song thai
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, cho hay thống kê của y văn thế giới trước đây cho rằng hội chứng song thai không tim hiếm gặp với tỷ lệ 1/35 nghìn ca. Tuy nhiên, giai đoạn trước, bệnh lý này chưa được chú ý.
Năm 2016, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã gặp 2 ca. Em bé đầu tiên được mổ bắt ở tuần 30, hiện đã 3 tuổi. Thực tế, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vây.
“Nếu không được can thiệp, thai nhi trong bụng sẽ dần mất tim thai. Nhiều trường hợp bị thai lưu, mẹ đau đớn, thậm chí bị rối loạn tâm lý dẫn tới vô sinh sau này. Từ trăn trở đó, chúng tôi ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu hàng nghìn ca vô vọng”, PGS Ánh chia sẻ.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên ở nước ta thực hiện can thiệp bào thai. Hai ca đầu tiên được tiến hành ngày 4/10. Đến nay, ngoài trường hợp sản phụ Hường đã sinh con, còn 13 sản phụ khác đã được can thiệp ổn định và đang theo dõi thai tại bệnh viện.
Theo PGS Ánh, can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong sản khoa hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi.
PGS Ánh lưu ý các trường hợp mang song thai cần kiểm soát các nguy cơ như đẻ non, vỡ ối sớm, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ… vốn cao hơn đơn thai. Riêng trường hợp song thai chung bánh rau, việc kiểm soát cần cẩn trọng hơn, đặc biệt khi có dấu hiệu bụng to lên nhanh, bất thường.