Độc tố gấp 12- 15 lần nọc rắn hổ, kiến ba khoang khiến hàng nghìn người phải nhập viện

ngày 03/10/2020

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu trung ương, mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khám cho hơn 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công chủ yếu ở các quận, huyện ven đô của Hà Nội. Nhiều trường hợp 2-3 người trong cùng gia đình phải đi khám vì kiến ba khoang. Không ít trường hợp bị tổn thương nặng, đến viện khám sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên do độc tố của kiến ba khoang.

Còn tại - Bệnh viện Nhi Trung ương - Bác sĩ Lê Ngọc Duy - cho biết; "Đây là thời điểm loài kiến ba khoang đang phát triển.Loại côn trùng này rất nguy hiểm, độc tố trong kiến ba khoang mạnh gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ. Chất gây độc của kiến ba khoang có thể làm tổn thương da, gây đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân."

Cũng theo các bác sỹ, những trường hợp viêm da nặng, tổn thương lan nhanh sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang chủ yếu do chà xát vết đốt, làm độc tố của kiến lan ra.

Những trường hợp này cần điều trị kết hợp kháng sinh, kháng histamin giảm đau, ngứa, bội nhiễm và phải mất từ 5-7 ngày tình trạng bệnh mới ổn định.

Theo lời khuyên của các bác sỹ, nếu phát hiện trong nhà có kiến ba khoang hoặc tiếp xúc với chúng, chúng ta cần chú ý những điều sau:

- Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người. Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).

- Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.

- Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.

- Các khu nhà ở chật hẹp như: ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.

- Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.

- Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.

- Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dính vào da.

- Nếu phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến thì nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước. Khi vùng da đó bắt đầu thấy đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxyd kẽm, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Người bệnh cần rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng, nếu thấy dị ứng, kích ứng da thì nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.


Nguồn: Báo Pháp Luật VN