Đái tháo đường không phải là 'bệnh nhà giàu'

ngày 12/10/2020

Số liệu thống kê từ Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) cho thấy, cứ mỗi giờ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) mắc mới, và cứ mỗi 8 giây có 1 người chết do ĐTĐ. IDF chỉ ra, bệnh ĐTĐ hiện nay có thể coi là một loại bệnh dịch toàn cầu với 415 triệu người trưởng thành bị bệnh trên toàn thế giới mắc bệnh đái tháo đường, chiếm (8,8% dân số thế giới).

Tại Việt Nam, số liệu từ Hội Nội tiết và ĐTĐ (VADE) cho biết, hiện có tới 3,53 triệu người đang “chung sống” với căn bệnh ĐTĐ, và mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan. Dự báo, số người bắc bệnh có thể tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045.

Với những số liệu nói trên, Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân ĐTĐ cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước mới có chỉ có 29% người bệnh bị ĐTĐ được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71%.

Trên thực tế, ĐTĐ là bệnh phát triển nhanh nhất, không có sự phân biệt về màu da, sắc tộc cũng như không có sự phân biệt về đẳng cấp, là bệnh đến với mọi người. Nó khác xa so với quan niệm trước đây cho rằng bệnh ĐTĐ là bệnh của nhà giàu.

Theo PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền - Giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội, Trưởng Khoa Nội tiết - Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa trung ương): Theo tây y, có ĐTĐ typ 1 và typ 2. Bệnh ĐTĐ typ 1 (phụ thuộc insulin cơ thể không tiết ra insulin) xảy ra khi những rối loạn hệ miễn dịch khiến tế bào beta trong tuyến tụy bị triệt tiêu gần hết. Không có những tế bào này, tuyến tụy mất khả năng sản sinh insulin để cân bằng và chuyển hóa lượng glucose (hay còn gọi là đường huyết) trong cơ thể.

Người bệnh ĐTĐ typ 2 vẫn sản sinh insulin như bình thường, nhưng cơ thể lại không thể sử dụng insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào (kiểu chìa khóa không mở cửa tế bào mà cứ ở ngoài) dẫn đến không hấp thụ được.

Tình trạng này gọi là kháng insulin. Tuyến tụy cố gắng sản sinh ra nhiều insulin hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển hóa và đến một lúc nào đó sẽ bị suy giảm chức năng trầm trọng. Đa phần chúng ta gặp bệnh nhân ĐTĐ typ 2, tỷ lệ này chiếm 90-95%.

Một điều đáng lo ngại cần phải nhắc tới, nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Nội tiết trung ương trên 2.810 trẻ em lứa tuổi từ 11-14 tuổi vừa qua trên toàn quốc cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của bệnh ĐTĐ ở nhóm đối tượng này.

Theo đó, đã có 178 trẻ (6,2%) mắc rối loạn glucose máu, trong đó lứa tuổi trẻ nhất (11 tuổi) có tỷ lệ mắc cao nhất (8,1%); trong khi ở nhóm tuổi lớn hơn có rối loạn glucose máu thấp hơn. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ là 27,8%, trong đó thừa cân là 17,9% và béo phì là 9,9%.

GS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, trẻ hóa bệnh nhân mắc ĐTĐ đang là vấn đề đáng lo ngại do thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ béo phì gia tăng. Thậm chí, có trẻ 14, 15 tuổi đã mắc ĐTĐ.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ĐTĐ ở người trẻ biến chứng sẽ tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có biến chứng nhiều hơn so với ĐTĐ ở người lớn tuổi.

Theo PGS Vũ Thị Thanh Huyền, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì việc thực hiện chế độ ăn và tập luyện vô cùng quan trọng. Về cơ bản cần chế độ ăn cân đối, tinh bột, mỡ, rau, củ quả, thịt, cá..

Về khẩu phần tinh bột được khuyến cáo giảm đối với người bệnh ĐTĐ, chiếm khoảng 50% tổng khẩu phần ăn hàng ngày. Dễ hiểu là người tiểu đường chỉ ăn ½ bát con cơm hoặc hơn chút. Đây là đối với tuổi trẻ còn ở tuổi trung niên chỉ nên ăn ½ bát con cơm.

Ngoài ra, thịt, cá cũng cần cho cơ thể nhất là người ĐTĐ lâu năm, để đảm bảo dinh dưỡng, chống teo cơ. Tuy nhiên không được lạm dụng, đặc biệt cần tránh dầu mỡ chiên đi chiên lại; tăng cường ăn rau, hoa quả và uống đủ nước (6-8 cốc nước/ngày).

Luyện tập tối thiểu 30 phút/ngày và 5 ngày trong tuần. Cần tập đều đặn, không được bỏ qua 2 ngày vì sẽ làm cơ thể tái tạo lại.


Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết