Cuộc đua vaccine và thuốc điều trị đậu mùa khỉ ở Mỹ và châu Âu

ngày 27/05/2022

Cơ quan y tế công Canada (PHAC) ngày 26/5 xác nhận thêm 10 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại quốc gia Bắc Mỹ này. Đậu mùa khỉ cũng đã xuất hiện ở gần 20 quốc gia không coi đây là bệnh đặc hữu, với hơn 100 trường hợp đã được ghi nhận, chủ yếu ở châu Âu…

Ảnh minh họa.

Hiện ở châu Âu chỉ có một loại vaccine để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ và các quốc gia đang tranh giành nhau để mua dự trữ. Theo Reuters, Đức đã đặt hàng 40.000 liều vaccine Bavaria Nordic để tiêm ngay cho những người tiếp xúc virus đậu mùa khỉ nếu dịch bệnh này nghiêm trọng hơn. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24/5, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết quốc gia đang khuyến cáo cách ly ít nhất 21 ngày với những người mắc bệnh.

“Nếu dịch lây nhiễm rộng hơn nữa, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng vaccine - phương án chưa được khuyến cáo ở thời điểm này nhưng có thể sẽ cần thiết,” ông Lauterbach nói. Theo đại diện y tế Đức, làn sóng bệnh đậu mùa khỉ có thể được kiểm soát và không bùng phát thành đại dịch mới. Việc can thiệp sớm có thể ngăn mầm bệnh lan sâu vào cộng đồng.

Vương quốc Anh cũng đã tiêm 1.000 liều vaccine cho những người tiếp xúc gần với ca bệnh có nguy cơ cao và nhân viên y tế chăm sóc những người nhiễm virus đậu mùa khỉ, trong khi dự trữ 3.500 liều khác để sẵn sàng sử dụng. Hôm 24/5, Pháp cũng đã thông báo rằng họ đang tiêm chủng cho những nhóm người dễ lây nhiễm để ngăn chặn sự bùng phát.

Tecovirimat đã chứng minh nhiều kết quả hứa hẹn trong việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho đến nay.

Về quá trình điều trị, các nhà khoa học tại Anh cho biết thuốc kháng virus Tecovirimat của SIGA Technologies Inc có thể rút ngắn các triệu chứng và thời gian lây nhiễm cho người khác. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases, cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng Tecovirimat có dấu hiệu giảm các triệu chứng, virus đường hô hấp trên ít hơn người khác.

Thuốc kháng virus Tecovirimat còn được bán dưới tên thương hiệu Tpoxx, vẫn chưa phổ biến rộng rãi. Công ty cho biết công thức thuốc uống được phê duyệt ở Mỹ, Canada và châu Âu để điều trị bệnh đậu mùa. Dù vậy, các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Liverpool NHS Foundation Trust hiện kêu gọi thêm nhiều nghiên cứu về loại thuốc này. Trong nghiên cứu mới công bố, họ còn tìm thấy ít nhất một bằng chứng về hiệu quả chữa đậu mùa khỉ của loại thuốc khác mang tên Brincidofovir.

"Bài báo của chúng tôi cho thấy nếu bạn có sự lựa chọn giữa hai loại thuốc này, Tecovirimat đã chứng minh nhiều kết quả hứa hẹn hơn cho đến nay", GS Hugh Adler, Bệnh viện Đại học Liverpool NHS Foundation Trust, tác giả chính, chia sẻ. "Chúng tôi hy vọng bằng cách chia sẻ dữ liệu này, các bác sĩ lâm sàng khác, đặc biệt nếu họ đang chữa cho những ca đậu mùa khỉ nặng, có thể tiếp cận loại thuốc này và thêm nhiều động lực thực hiện nghiên cứu lớn hơn".

Hiện ở châu Âu chỉ có một loại vaccine để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ và các quốc gia đang tranh giành nhau để mua dự trữ.

Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), kho dự trữ chiến lược quốc gia của nước này chỉ có hơn 1.000 liều Jynneos, được FDA phê duyệt vào năm 2019, và khoảng 100 triệu liều vaccine đậu mùa cũ có nhiều tác dụng phụ. Bà Jennifer McQuiston, Phó giám đốc Bộ phận Bệnh học và Tác nhân gây hậu quả cao của CDC tiết lộ giới chức Mỹ đang tích cực bổ sung thêm vaccine Jynneos. Họ đã yêu cầu gửi thêm nhiều lô vaccine từ kho dự trữ để tiêm cho những người tiếp xúc bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.

Chính phủ Mỹ cũng đang đàm phán với nhà sản xuất thuốc Brincidofovir để mua số lượng lớn dự trữ, đảm bảo khả năng tiếp cận khẩn cấp để sử dụng thuốc điều trị đậu mùa khỉ. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã mua hơn hai triệu liều thuốc viên kháng virus Tecovirimat, theo CDC. Cơ quan này cũng đang làm việc với nhà sản xuất thuốc để phát triển một hình thức tiêm tĩnh mạch, đồng thời xây dựng hướng dẫn điều trị để giúp các cơ quan y tế công cộng và bác sĩ lâm sàng sử dụng thuốc nếu cần.

Rolf Sass Sørensen, người đứng đầu bộ phận truyền thông và quan hệ đầu tư tại Bavarian Nordic, nhà sản xuất vaccine của Đan Mạch, Imvanex, cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận với nhiều quốc gia đang đưa ra yêu cầu mua vaccine. Loại vaccine này hiện đã được chấp thuận cho bệnh đậu mùa ở EU, cũng như bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada". Ông Sørensen thông báo thêm Cơ quan Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp về Y tế của Ủy ban Châu Âu (HERA) và Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang đàm phán với công ty.

WHO cho rằng đợt bùng phát đậu mùa khỉ không cần phải tiêm chủng hàng loạt.

Bà Rosamund Lewis, Giám đốc Ban Thư ký Bệnh đậu mùa của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết vaccine và thuốc không được bán rộng rãi trên thị trường vì chúng tương đối mới. WHO sẽ làm việc với các công ty dược để xem xét phương án tăng cường sản xuất các chế phẩm này. Tuy nhiên, theo bà, bệnh đậu mùa ở khỉ không có khả năng lây truyền như Covid-19 và nguy cơ trở thành dịch với hàng triệu người mắc, tử vong sẽ rất khó xảy ra.

WHO cũng cho rằng đợt bùng phát này không cần phải tiêm chủng hàng loạt. Các biện pháp như vệ sinh và quan hệ tình dục an toàn sẽ giúp kiểm soát sự lây lan. Các chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ là loại virus đã biết, thuộc nhóm DNA, không đột biến nhanh như virus RNA. Thế giới đã có sẵn loại vaccine và phương pháp điều trị. Bệnh chỉ lây lan khi bệnh nhân đã có triệu chứng, khiến việc kiểm soát trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, TS Boghuma Titanji, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory ở Atlanta cho rằng sở dĩ các chiến dịch tiêm chủng đại trà không được khuyến khích vì vaccine đậu mùa cũ hơn có thể có các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm cơ tim. Loại vaccine đó cũng có thể gây rủi ro cho những người bị ức chế miễn dịch, bao gồm cả những người nhiễm HIV chưa được phát hiện. Mặc dù tác dụng phụ của vaccine là rất hiếm, nhưng khi triển khai trên diện rộng thì tỷ lệ này cũng sẽ tăng lên.

Nguồn: https://vneconomy.vn/cuoc-dua-vaccine-va-thuoc-dieu-tri-dau-mua-khi-o-my-va-chau-au.htm