Chuyên gia mách nước 'né' bệnh tai-mũi-họng khi giao mùa

ngày 07/11/2019

Bệnh tai-mũi-họng - người lớn cũng cần thận trọng

Thay đổi khí hậu vào thời điểm giao mùa khiến nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày, kéo theo sự suy yếu hệ miễn dịch của cả người lớn và trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó các virus gây bệnh tai mũi họng dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Đường hô hấp là nơi nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Do đó, một số bệnh như cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm tai, viêm tiểu phế quản… rất phổ biến khi thời tiết thay đổi.

Các bệnh tai - mũi - họng không chỉ nguy hiểm với trẻ em mà còn ảnh hưởng đến cả người lớn

Cảm cúm do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, gây nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, chán ăn... Người lớn thường rất chủ quan khi mắc bệnh cảm cúm, tuy nhiên chúng ta không nên coi thường cảm cúm vì bệnh có thể kéo dài hoặc nghiêm trọng, thậm chí một số chủng cúm còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi có các dấu hiệu trên hãy đi khám sớm (đặc biệt là khi kèm theo sốt cao), kẻo dễ bị biến chứng.

Nhiễm trùng hô hấp là nhiễm trùng xảy ra ở vùng tai mũi họng, thanh quản, phổi. Đây là nhóm bệnh gây nguy hiểm đặc biệt đến trẻ nhỏ, bệnh có thể xảy ra lặp đi lặp lại theo thời gian, đặc biệt khi chuyển mùa từ mùa thu sang mùa đông.

Do số lượng virus, vi trùng gia tăng ở thời điểm này và nhiều người tiếp xúc gần với nhau khiến những virus, vi trùng dễ lây lan hơn tạo ra các ổ dịch. Hiện nay có rất nhiều vius, vi trùng gây bệnh đường hô hấp có thể truyền từ người này sang người khác trong không khí hoặc sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Bố mẹ không nên chủ quan đối với các dấu hiệu lạ ở trẻ nhỏ trong thời điểm giao mùa

Trong khi đó, viêm tai giữa có nhiều khả năng xảy ra trong mùa đông hơn bất kỳ mùa nào khác. Những thay đổi về khí hậu, đặc biệt là khi không khí lạnh hơn, sẽ tăng khả năng trẻ bị viêm tai cấp tính. Trẻ sẽ thấy đau tai, khó nghe, chảy dịch ở tai, sốt cao, thậm chí là buồn nôn.

Viêm tiểu phế quản là tình trạng sưng và chất nhầy tích tụ trong đường dẫn khí phổi nhỏ nhất. Bệnh thường xảy ra do virus cúm hoặc virus hợp bào đường thở phát triển mạnh vào mùa đông lạnh ẩm, có ảnh hưởng đến trẻ em, chủ yếu dưới hai tuổi. Virus thường lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch mũi dịch họng của người mang vi rút. Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú ít, tím tái, cần cho trẻ nhập viện cấp cứu để điều trị.

Lời khuyên từ chuyên gia của bệnh viện An Việt

PSG.TS Nguyễn Hoàng Sơn - Nguyên chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nguyên giảng viên ĐH Y Hà Nội, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng nhi Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương…, là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tai - mũi - họng đưa ra lời khuyên cần chú ý một số điều sau để phòng và điều trị bệnh hô hấp:

Cả người lớn và trẻ nhỏ nên giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân, tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Tránh quạt máy, máy lạnh, tránh thức khuya.

Ăn uống và thể dục điều độ. Vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để làm sạch tiết nhầy trong khoang mũi họng là môi trường thuận lợi cho VK phát triển.

Rửa tay bằng xà bông là biện pháp hiệu quả để giảm lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ người này sang người khác.

PSG.TS Nguyễn Hoàng Sơn Nguyên cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện An Việt đưa ra một số lời khuyên trong thời điểm giao mùa

Bệnh viện Đa khoa An Việt là địa điểm uy tín trong việc thăm khám và điều trị nhiều vấn đề về sức khỏe, với đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, cùng trang thiết bị hiện đại, An Việt là điểm đến cho người bệnh trong gian đoạn giao mùa hay tìm kiếm những phương pháp phòng ngừa như tiêm chủng.


Nguồn: Báo VietnamNet