Chuyên gia các nước: Covid-19 khó có khả năng lây qua thực phẩm

ngày 14/08/2020

Trong tuần này, các quan chức Trung Quốc cho biết trên bề mặt của lô hàng cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ở TP Thâm Quyến. Tên thương hiệu của lô hàng không được tiết lộ.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đối với những người có thể đã tiếp xúc với số cánh gà này cho đến nay vẫn cho kết quả âm tính và việc kiểm tra đang được tiến hành đối với các sản phẩm khác từ cùng một thương hiệu đã được bán.

Nhân viên y tế lấy mẫu thử từ thực phẩm đông lạnh để kiểm tra ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, một chuyên gia cho biết các xét nghiệm trên cánh gà có thể đã phát hiện vật liệu di truyền từ SARS-CoV-2 đã chết, yếu tố có thể gây ra dương tính giả.

TS Ian Williams - giám đốc bộ phận phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, chuyên điều tra các bệnh lây truyền qua thực phẩm và nước - từng cho biết không có bằng chứng cho thấy dịch Covid-19 là do thực phẩm gây ra hoặc đến từ việc lây truyền trong ăn uống. Chuyên gia này cho rằng dịch Covid-19 chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp giữa người với người.

Các cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 là giãn cách xa xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay kỹ lưỡng và che chắn khi ho hoặc hắt hơi.

Quan điểm của TS Williams gần đây đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ nhắc lại trong một tuyên bố chung vào tháng 6 rằng "không có bằng chứng" cho thấy người dân có thể nhiễm virus từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm.

Một phụ nữ tại quầy đông lạnh trong siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh-Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, không có khả năng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua thực phẩm sản xuất từ nơi khác. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Mặc dù SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt trong vài giờ hoặc lên đến vài ngày (tùy thuộc vào chất liệu bề mặt) nhưng rất ít khả năng chúng sẽ tồn tại trên bề mặt sau khi được di chuyển, đi lại và tiếp xúc với các điều kiện và nhiệt độ khác nhau".

Chưa hết, theo TS Angela Rasmussen, nhà virus học tại Trường ĐH Columbia (Mỹ), thậm chí dù ai đó có ăn thực phẩm nhiễm Covid-19, axit trong dạ dày sẽ giết chết chúng. Bà Rasmussen nói rằng: "Khi chúng ta ăn bất kỳ loại thức ăn nào, dù nóng hay lạnh, thức ăn đó sẽ đi thẳng xuống dạ dày, nơi có môi trường axit cao, độ pH thấp sẽ làm bất hoạt virus".

Cho rằng rủi ro lây nhiễm từ thực phẩm là rất thấp, ông Eyal Leshem, giám đốc Trung tâm Y học Du lịch và Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Sheba ở Israel, nhấn mạnh việc lây nhiễm do tiếp xúc với virus đông lạnh qua thực phẩm nhập khẩu vẫn chưa được xem là một con đường lây nhiễm chính và vẫn không phải là vấn đề ảnh hưởng đáng kể đến chính sách y tế công.

Trong khi đó, TS T. Jacob John, giáo sư về hưu chuyên về virus học lâm sàng tại Trường ĐH Y Christian (Ấn Độ), cho biết số lượng virus thoát ra từ miệng hoặc mũi của một người nhiễm lớn hơn nhiều so với một số virus còn sót lại trên thực phẩm đông lạnh và rủi ro lây qua thực phẩm đông lạnh rất thấp.


Nguồn: Báo Người Lao Động