Chu kỳ sốt xuất huyết lại tới

ngày 08/04/2021

Tại miền Bắc, thông thường, cứ 4 năm lại có một lần dịch bùng phát mạnh, nên nhiều người lo ngại năm nay sẽ bước vào chu kỳ đó, nếu như không phòng dịch tốt.

Ảnh minh họa.

Không tự ý điều trị tại nhà

Ca mắc sốt xuất huyết Dengue thường bắt đầu tăng từ tháng 4, 5; đạt đỉnh vào khoảng tháng 8, 9, 10 và giảm dần vào tháng 11. Thông thường với bệnh sốt xuất huyết (SXH) có những chu kỳ 4 năm hoặc 10 năm lại có 1 năm dịch bùng phát mạnh. Điều này liên quan đến chu kỳ thay đổi về thời tiết, khí hậu và quá trình đô thị hóa làm gia tăng môi trường sinh sống của muỗi vằn truyền bệnh SXH.

Năm 2017, cả nước ghi nhận 183.287 trường hợp mắc SXH (154.552 nhập viện), 30 trường hợp tử vong. Đặc biệt có sự xuất hiện của nhiều type lưu hành mới D3, D4 bên cạnh type D1, D2 cùng với những biến chứng bất ngờ. Tháng 6 đến tháng 8/2017, số ca mắc tăng vọt trên cả nước. Tại Hà Nội, có số ca mắc tăng gấp 700 lần so với cùng kỳ năm 2016, với gần 25 nghìn người mắc bệnh, 7 người tử vong.

Nếu theo đúng 4 năm thì năm 2021 này là chu kỳ bệnh có khả năng bùng phát nếu chúng ta không làm tốt công tác dự phòng.

Thời điểm này, một số tỉnh miền Trung đang ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân sốt xuất huyết cao. Tại Khánh Hòa, TP. Nha Trang có số ca mắc cao nhất với hơn 450 ca, kế đến thị xã Ninh Hòa gần 280 ca, huyện Diên Khánh gần 150 ca...

Còn tại Phú Yên, tính đến đầu tháng 3/2021, tỉnh này ghi nhận 5 ổ dịch sốt xuất huyết với gần 200 ca mắc. So với cùng kỳ năm ngoái, ổ dịch và số người mắc SXH đều giảm nhưng ca tử vong thì lại tăng. Tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là 2 trẻ nhỏ. Cả 2 trẻ đều bị sốt ở nhà từ 3- 4 ngày, gia đình tự điều trị bằng thuốc hạ sốt. Khi thấy trẻ có diễn biến bệnh nặng, gia đình mới đưa đến cơ sở y tế, nhưng các bệnh nhi đều tử vong do đã diễn biến nặng, có trẻ mắc bệnh nền.

Năm ngoái, Hà Nội cũng ghi nhận 2 ca tử vong do SXH. Cả hai ca bệnh đều có điểm chung là xuất hiện triệu chứng SHX diễn biến nặng nhưng không đến bệnh viện ngay mà tự điều trị tại nhà, khi nhập viện đã quá muộn và không qua khỏi.

Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhiều người bị SXH nhưng không biết, bởi những ngày đầu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng giống với sốt virus thông thường, nên chủ quan ở nhà mua thuốc uống thuốc. Ngày thứ 5 trở đi bệnh nặng, lúc đó bệnh nhân không được xét nghiệm kịp thời, dẫn đến cô đặc máu, nguy cơ tử vong cao.

Bắt đầu vào mùa sốt xuất huyết

Theo TS. BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, hiện đã bắt đầu vào mùa SXH. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch Covid-19, mọi người cần chú ý phòng các dịch bệnh theo mùa hàng năm, nhất là dịch SXH Dengue, nếu để bùng phát sẽ rất nguy hiểm.

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Theo Cục Y tế Dự phòng, cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh SHX lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Đến nay chưa có vaccine phòng bệnh vì vậy, cách tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy… Ngủ trong màn kể cả ban ngày và để người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt lây lan bệnh cho người khác.

Bộ Y tế cũng vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch mùa hè. Trong đó có đặc biệt lưu ý các địa phương phải tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường dưới hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; mở chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh SXH.

Nguồn Đại Đoàn Kết