Châu Âu vẫn là 'điểm nóng' về COVID-19 trên thế giới

ngày 08/04/2021

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil, ngày 7/4. (Ảnh: Xinhua)

Bất chấp những nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, châu Âu vẫn là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 40.820.041 ca nhiễm. Trong đó, biến thể ở Anh lần đầu được phát hiện tại Berlin (Đức) ngày 8/1 đang lây lan với tốc độ chóng mặt, đã nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia châu Âu này lên 2.927.572 trường hợp, đứng thứ 6 trong khu vực.

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 8/4 cho thấy, hiện toàn thế giới có 107.797.186 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 22.976.801 ca bệnh đang điều trị thì có 22.876.071 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 100.730 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 40.820.041 trường hợp, trong đó có 936.655 ca tử vong và 28.947.719 ca được điều trị khỏi. Hiện các nước châu Âu đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng để ứng phó với làn sóng thứ 3 của dịch bệnh, tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vaccine đã khiến chương trình tiêm chủng tại các nước trong khu vực bị chậm trễ.

Biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh đang lây lan mạnh và chiếm hầu hết số ca nhiễm mới ở thủ đô Berlin cũng như các bang khác trên toàn nước Đức. Viện Robert Koch (RKI) hồi tuần trước thông báo tính trung bình tỷ lệ nhiễm biến thể ở Anh là 88%. Hai biến thể khác phát hiện ở Nam Phi và ở Brazil cũng đã xuất hiện ở Đức, song không lây lan mạnh như biến thể ở Anh.

Trước tình hình dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang nỗ lực sửa đổi Luật Chống lây nhiễm để có thể buộc tất cả các bang thực hiện nhất quán các biện pháp chống dịch, thay vì quyền quyết định thực sự nằm trong tay các bang hiện nay. Tuy nhiên, việc sửa đổi luật sẽ mất nhiều thời gian, trong khi một biện pháp có thể nhanh chóng hơn là việc Thủ tướng Merkel đạt được đồng thuận thực hiện nhất quán các biện pháp chống dịch với các thủ hiến bang tại một hội nghị giữa chính quyền trung ương và các địa phương vào đầu tuần tới.

Hiện Bắc Mỹ có 36.446.899 ca nhiễm bệnh, trong đó có 829.954 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 31.637.220 ca nhiễm và 572.842 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.256.380 ca nhiễm và 205.002 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 1.028.041 ca nhiễm và 23.173 ca tử vong vì COVID-19.

Chính phủ Cuba ngày 7/4 thông báo kết quả của một nghiên cứu do khoảng 10 đơn vị nghiên cứu khoa học nước này thực hiện cho thấy, hiện có tới 5 biến thể gen và 6 dạng đột biến của virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) đang lưu hành trên lãnh thổ của đảo quốc Caribe, bao gồm cả các chủng được phát hiện ở Nam Phi và Anh, hai dạng biến thể có khả năng lây nhiễm cao. Cho tới nay, Cuba đã ghi nhận tổng cộng 82.601 ca nhiễm COVID-19 và 442 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch, phần lớn trong số đó nằm trong đợt bùng phát thứ 3 của đại dịch bắt đầu từ tháng 12/2020 sau khi Cuba mở cửa trở lại các sân bay sau gần 8 tháng đóng cửa biên giới.

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 148.747 ca nhiễm và 4.730 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tới thời điểm hiện tại lên lần lượt 21.954.603 và 577.670 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 13.197.031; 2.479.617; 2.450.068; 1.607.898… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 8/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 30.056.614 trường hợp, với 439.983 ca tử vong và 27.058.119 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 2.558.512 ca bệnh đang điều trị thì có 27.020 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 12.926.061 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 3.633.925 ca.

Tính đến sáng 8/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.336.587 trường hợp, trong đó có 114.877 ca tử vong và 3.885.966 ca bình phục. Trong tổng số 335.744 ca đang điều trị thì có 3.240 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.553.609 ca nhiễm COVID-19 và 53.111 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 253 ca nhiễm COVID-19, trong đó 13 ca ở Australia, 3 ca ở French Polynesia, 229 ca ở Papua New Guinea, 7 ca ở New Zealand và 1 ca ở Wallis and Futuna. Hiện khu vực này ghi nhận 58.826 ca nhiễm và 1.150 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.377 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.643 ca./.

Nguồn Đảng Cộng Sản VN