Cẩn thận với 'thuốc' bổ phổi hậu Covid-19

ngày 31/03/2022

Thực phẩm bổ phổi, phục hồi chức năng hô hấp gần như được tìm mua nhiều nhất hiện nay. Các loại thực phẩm được quảng cáo 'bổ phổi', như đông trùng hạ thảo, tổ yến, vitamin… mấy tháng qua luôn khan hàng, giá liên tục lên cao. Không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng, nhiều người vẫn bỏ cả chục triệu đồng ra mua.

Điều trị hậu Covid-19 cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Ảnh: NAM ANH

1/Nhìn vào chiếc tủ lạnh dành riêng để chứa thực phẩm chức năng cũng đủ thấy mức độ chịu chi của gia đình chị Nguyễn Vân Anh (Hoàng Mai, Hà Nội). Hơn 10 “tệp” đông trùng hạ thảo, mỗi tập là 5 con đóng gói riêng rẽ, hút chân không, bên cạnh là các lọ yến đã chưng sẵn, tổ yến khô nhặt sạch, bọc kỹ. Chị cho biết, cách đây hai tháng, khi các thành viên trong gia đình lần lượt mắc Covid-19, sức khỏe suy giảm hẳn, chị đã mua chiếc tủ lạnh này để tiện trữ các loại thực phẩm chức năng bồi bổ cho gia đình. Riêng loạt đông trùng hạ thảo nguyên con loại tươi 0,8g/con với giá 700 nghìn đồng/con, chị được người quen giới thiệu mua theo một địa chỉ uy tín trên mạng. Người bán cam kết đây là hàng có nguồn gốc thiên nhiên, được nhập khẩu từ Trung Quốc nên chị không tiếc tiền chi hai tháng lương để trữ dùng dần. Nhưng khi chế biến, các con chị không chịu tẩm bổ, vì không chịu được vị lạ.

Lướt nhanh các gian hàng trên mạng, cả đông trùng hạ thảo khô nhập khẩu và tươi nuôi trồng trong nước gần đây đều được bán với các loạt giá từ 8 triệu - 70 triệu đồng cho 10g. Theo quảng cáo, đông trùng Tây Tạng giá từ 8 triệu - 15 triệu đồng/10g, nhưng luôn khan hàng. Đông trùng hạ thảo tươi được quảng cáo tự nhiên, nuôi trồng ở Trung Quốc, nguồn hàng Việt Nam cũng dao động từ 5 triệu - 50 triệu đồng, thậm chí 80 triệu đồng cho 10g. Chị Hà, chủ một trang mạng bán thực phẩm chức năng cho biết, người tiêu dùng không nên mua bằng niềm tin mà nên lựa chọn cơ sở sản xuất kinh doanh uy tín, địa chỉ rõ ràng, có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc hợp pháp hoặc những nơi đã được Bộ Y tế kiểm định. Đông trùng hạ thảo có nguồn gốc khác nhau, chất lượng rất khác nhau, thậm chí rất nhiều hàng giả, khách mua vài lần hầu như không phân biệt được.

2/Đã một tháng sau khi khỏi Covid-19, chị Xuân (Long Biên, Hà Nội) vẫn không dứt hẳn cơn ho, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Nghe bạn bè nói yến chưng bổ phổi và giúp hồi phục sức khỏe, chị cũng tìm mua. Thử tìm hiểu các trang bán hàng trên mạng, chị Xuân cũng tá hỏa bởi một rừng thông tin từ phía người bán: nào yến vụn, yến nguyên tổ, loại thô, loại làm sạch… với mức giá từ 2,9 triệu-5 triệu đồng/100g. Người bán đều quảng cáo “yến nhà mới hái, hoặc yến nhà nuôi”. Nhưng cũng không phải có tiền là mua được hàng ngay. Liên hệ với một trang mạng có vẻ uy tín, chị phải đợi 1-2 tuần mới có hàng. Mà chất lượng chỉ là những cam kết từ phía người bán.

Các loại vitamin cho trẻ em được quảng cáo có tác dụng bổ phổi đang được tìm mua nhiều. Các loại vitamin, thuốc bổ được quảng cáo là hàng nhập từ Pháp, Đức, Mỹ… có tác dụng dứt cơn ho, phục hồi phổi và hệ hô hấp tăng sức đề kháng cho trẻ. Vì lo lắng cho con, có những phụ huynh không tiếc tiền cho thuốc, thực phẩm chức năng. Có người cho con uống một lúc mấy loại thực phẩm chức năng, vì cứ nghe quảng cáo tốt là mua. Bác sĩ Đào Trường Giang, Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) cho rằng, không nên cho trẻ uống vitamin khi bị Covid-19. Khi cơ thể mệt mỏi, các bé đã uống thuốc, lại phải uống thêm các loạt thực phẩm chức năng hoặc vitamin cơ thể khó hấp thụ được hết, thậm chí gây tác dụng ngược. Theo bác sĩ Giang, khi trẻ em đang mắc Covid-19, chỉ tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thêm các bữa phụ, cho trẻ uống sữa, hoa quả… Nếu sau khi khỏi, người bệnh vẫn bị ho nặng kéo dài không dứt, ho có đờm, mất ngủ, khó thở, cơ thể mệt mỏi thì nên đến bệnh viện khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe.

Theo bác sĩ Dương Văn Trung, Bệnh viện Bưu điện, xơ phổi là biến chứng hay gặp nhất của hậu Covid-19, gây khó khở, đặc biệt khi vận động thể lực. Đây là một trong những biến chứng dai dẳng ảnh hưởng đến khả năng lao động. Sau đó, chức năng phổi có thể sớm trở lại như bình thường, hoặc sau sáu tháng, hoặc kéo dài hơn nữa, thậm chí có tổn thương không hồi phục. “Thuốc” giúp bổ phổi chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra, đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất, các bài tập thở ngực, bài tập thở bụng… Kèm theo là chế độ dinh dưỡng tốt và luyện tập thể thao tùy theo sức khỏe mỗi người. “Không có thuốc nào bổ phổi hậu Covid-19 hết. Cẩn thận kẻo tiền mất tật mang”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.

Nguồn: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-vande/can-than-voi-thuoc-bo-phoi-hau-covid-19-691442/