Căn bệnh 'gặm nhấm' 10.000 ca mới mỗi năm ở Việt Nam

ngày 21/12/2022

Bệnh này tiến triển thầm lặng, ở giai đoạn sớm người bệnh thường không có triệu chứng, do đó đa số được phát hiện khi bệnh đã trở nặng

Thông tin này vừa được công bố tại hội thảo ung thư gan do Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP HCM) tổ chức, thu hút nhiều y bác sĩ chuyên khoa tham dự.

Dẫn ra nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO),TS-BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết bệnh ung thư gan đứng thứ ba trong nhóm các bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, chỉ sau ung thư phổi và dạ dày.

Một ca phẫu thuật cắt bỏ gan hư

Trung bình mỗi năm thế giới có 500.000 ca mắc ung thư gan mới. Nguyên nhân gây ung thư gan chủ yếu là do bệnh viêm gan mạn tính gây nên bởi virus viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV). Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ mắc bệnh viêm gan cao dẫn đến nhiều người ung thư gan, trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới được phát hiện.

Bệnh ung thư gan nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì khả năng sống trên 5 năm là trên 80%. Tuy nhiên, ung thư gan là bệnh tiến triển thầm lặng, ở giai đoạn sớm người bệnh thường không có triệu chứng gì, do đó đa số người bệnh được phát hiện khi bệnh đã trở nặng.

BSCK1 Nguyễn Thanh Long, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch máu ngoại biên Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh Viện Thành phố Thủ Đức, cũng trình bày một nghiên cứu mới về "Hình ảnh học u gan và ứng dụng thuốc tương phản đặc hiệu trong chẩn đoán".

Theo đó, với chụp cộng hưởng từ gan với chất tương phản đặc hiệu mô giúp tầm soát và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, mang lại nhiều cơ hội sống cho người bệnh. Ở bệnh ung thư gan, 90% các trường hợp không thể hấp thu và chuyển hóa được chất tương phản đặc hiệu, điều này có ý nghĩa quan trọng giúp tầm soát sớm bệnh ung thư gan, đặc biệt ở người bệnh viêm gan B, C lâu năm.

Nguồn: nld.com.vn