Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19

ngày 01/02/2021

Theo quyết định của Bộ Y tế, tên gọi của loại vaccine được phê duyệt là ChAdOx1 nCoV-19 hoặc AZD1222, do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca của Anh phát triển.

Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 được điều chế dưới dạng dung dịch tiêm, được đóng gói thành 2 dạng. Một là loại 10 lọ một hộp, mỗi lọ chứa 8 liều, mỗi liều 0,5 ml. Loại thứ hai là loại 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều (0,5 ml/liều).

Theo quy định, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu và quản lý chất lượng của vaccine này. Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo sẽ là đầu mối triển khai, đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine.

Song song đó, Cục Y tế Dự phòng xây dựng kế hoạch tiêm chủng và triển khai, hướng dẫn, giám sát quá trình nói trên. Sau khi tiêm phòng, Cục cũng sẽ theo dõi phản ứng của người dân và báo cáo, tổng hợp dữ liệu.

Vaccine Covid-19 được cấp phép đầu tiên tại Việt Nam do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca phát triển. Ảnh: MITTechnology.

Trước đó, ngày 30/12/2020, vaccine này được Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) chấp thuận sử dụng tại quốc gia này. Ngày 29/1, vaccine này cũng được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu phê duyệt sử dụng trên 27 quốc gia thành viên của EU.

Theo nghiên cứu trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet, phân tích ban đầu cho thấy vaccine của Oxford/AstraZeneca đạt hiệu quả trung bình 70% trên các tình nguyện viên.

Kết quả trên được đưa ra dựa trên các cuộc thử nghiệm tiến hành ở Anh và Brazil. Trong số những người đã tiêm mà vẫn mắc Covid-19, không có trường hợp nào tiến triển nặng hoặc phải nhập viện.

Vào tháng 6/2020, hãng dược AstraZeneca cho biết họ có thể sản xuất khoảng 2 tỷ liều vaccine mỗi năm. Khoảng một nửa trong số đó được ký hợp đồng với Viện Huyết thanh của Ấn Độ để sử dụng cho các nước đang phát triển.

AstraZeneca cũng đã ký hợp đồng cấp phép để vaccine được sản xuất ở Brazil, Nam Phi và Trung Quốc.


Nguồn: VOV