Nhằm hỗ trợ các bệnh viện phụ sản tuyến dưới trong tư vấn, chăm sóc thai kỳ cho sản phụ, hội chẩn các ca bệnh khó, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã áp dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth).
Thông qua Telehealth, bệnh viện đã kết nối với nhiều điểm cầu ở các đơn vị y tế tuyến dưới để kịp thời hội chẩn, xử trí các bệnh nặng và cứu sống nhiều ca bệnh khó.
Telehealth – xóa nhòa khoảng cách y tế giữa các tuyến
Với mục tiêu tất cả các sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn liên tục, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng cho người dân, ngày 22/06/2020, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Theo đó, 18 bệnh viện tuyến trên trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai,... và 6 bệnh viện tuyến trên của TP.Hà Nội và TP.HCM được lựa chọn để tham gia đề án.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương được Bộ Y tế phê duyệt tham gia đề án khám chữa bệnh từ xa - Telehealth
Không chỉ là kênh kết nối nhanh chóng, linh hoạt giữa tuyến, các bệnh viện hệ thống Telehealth còn có thể hỗ trợ bệnh nhân kết nối trực tiếp với bác sĩ bất cứ thời điểm nào để xử lý trong các tình huống khẩn cấp hoặc trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng người bệnh không thể đến bệnh viện thăm khám được... Tính đến tháng 5/2021, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã hoàn thành kết nối hơn 1.500 cơ sở khám chữa bệnh từ xa và hướng đến mục tiêu năm 100% các sở y tế có hệ thống Telehealth năm 2030.
BSCKII Phạm Duy Duẩn – Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Ứng dụng Telehealth mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh và hệ thống y tế. Chúng tôi hy vọng thông qua các buổi hội chẩn, trao đổi chuyên môn, người dân ở mọi miền trên Tổ quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa cũng có điều kiện tiếp cận với hệ thống y tế chất lượng cao, tiết kiệm chi phí đi lại. Bên cạnh đó, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cũng giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp".
Việc đưa nền tảng Telehealth vào hoạt động cũng có ý nghĩa quan trọng trong giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và giúp đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới có thêm kiến thức, tự tin hơn trong điều trị và giúp tận dụng "giờ vàng" cứu chữa người bệnh, từ đó giảm thiểu tối đa các ca tử vong.
Hội chẩn kịp thời giúp cứu sống nhiều ca bệnh
Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Y tế về áp dụng Đề án khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong những đơn vị tiên phong trong triển khai khám, chữa bệnh từ xa. Trong quá trình triển khai Đề án, bệnh viện sẽ thực hiện một số nội dung công việc như: Hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, đưa ra phương pháp điều trị cho các ca bệnh cụ thể giữa các cơ sở y tế; Hội chẩn, tư vấn, chẩn đoán hình ảnh từ xa cho các bệnh viện tuyến dưới; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh, miễn dịch, huyết học – truyền máu để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa các ca mổ có kế hoạch, mổ cấp cứu; Đào tạo tập huấn cấp chứng nhận, chứng chỉ và chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới...
Sau một thời gian triển khai hệ thống Telehealth,Bệnh viện đã hỗ trợ chuyên môn từ xa, tổ chức các buổi hội chẩn định kỳ... cho 21 ca bệnh khó, đặc thù của chuyên ngành sản phụ khoa ở các bệnh viện tuyến dưới. Với mỗi ca bệnh, các bác sĩ tuyến dưới sẽ trình bày tóm tắt hồ sơ bệnh án, kết quả sức khỏe, phim chụp, tình sức khỏe, chẩn đoán phương hướng và điều trị cho bệnh nhân.... Tại điểm cầu Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các chuyên gia sẽ tiến hành trao đổi thêm thông tin, thảo luận và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Các buổi hội chẩn đều có sự đánh giá và tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn cao.
Nhờ các buổi khám chữa bệnh từ xa, nhiều ca bệnh khó ở các tuyến cơ sở đã được giải quyết nhờ những tư vấn chính xác, kịp thời của bác sĩ tuyến trên. Bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh ngay tại tuyến dưới, không phải vất vả lặn lội lên tuyến trên.
Tính đến nay, trong hệ thống tuyến dưới tham gia kết nối mạng lưới khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Phụ sản Trung ương là hơn 80 bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh và huyện chủ yếu là các tỉnh miền Bắc, miền Trung và một số tỉnh miền Nam. Theo PGS.TS Trần Danh Cường – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: "Những buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa rất bổ ích và giúp kết nối hàng chục bệnh viện trong hệ thống sản nhi hội chẩn, bình bệnh án các ca bệnh khó. Từ thực tế các cuộc hội chẩn, trao đổi chuyên môn trực tuyến về ca bệnh, không chỉ các bác sĩ ở bệnh viện có ca bệnh được cập nhật kiến thức mà các bác sĩ tại điểm cầu kết nối khác tại chương trình cũng được học hỏi, bổ sung và tích lũy thêm kinh nghiệm chuyên môn trong xử trí những tình huống sản khoa tương tự".
Trong lĩnh vực sản phụ khoa, việc chẩn đoán đúng, kịp thời có vai trò cực kỳ quan trọng. Trên thực tế, không ít ca bệnh được tuyến dưới chẩn đoán muộn, bỏ qua thời gian vàng cấp cứu từ đó nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và trẻ sơ sinh. Việc khám chữa bệnh từ xa với các bác sĩ đầu ngành về sản khoa sẽ giảm được số ca chẩn đoán, xử lý sai của tuyến dưới, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//benh-vien-phu-san-trung-uong-xu-tri-nhieu-ca-benh-kho-qua-telehealth-169211217154826343.htm