Theo Liên đoàn Tim mạch Thế giới, bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong số một trên toàn cầu.
Sự tiến bộ của công nghệ và các phương pháp điều trị mới đã hỗ trợ nhiều cho bệnh nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để phòng ngừa bệnh tim mạch.
Năm 2003, tuyển thủ bóng đá Anh David Seaman đang trên đỉnh cao sự nghiệp. Tuy nhiên, ít người biết rằng anh bị nhịp tim không đều, được gọi là bệnh rung tâm nhĩ. Nhân Ngày tim Thế giới năm nay (29/9), David Seaman cùng Liên đoàn Tim mạch Thế giới muốn cảnh báo mọi người về căn bệnh đang khiến nhiều người trên thế giới tử vong hơn bất cứ căn bệnh nào khác này.
Giáo sư Fausto Pinto, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Tim mạch Thế giới, nói: "Vào năm 2021, có hơn 20 triệu người chết vì bệnh tim mạch trên toàn cầu. Thật không may, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong trên toàn cầu đang thực sự gia tăng. Và tại sao điều này lại xảy ra? Đáng nói là chúng ta biết điều gì có thể gây ra bệnh tim mạch, 80% bệnh tim mạch có thể phòng ngừa được, thế nhưng tỷ lệ tử vong vẫn gia tăng. Có những nguy cơ đã được nhiều người biết đến, như thuốc lá, huyết áp cao, cholesterol cao, mỡ máu cao và bệnh tiểu đường. Có nhiều tình trạng mà chúng ta biết có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch và là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch".
Hút thuốc, ăn thức ăn nhanh, ít tập thể dục và chế độ ăn uống kém cũng góp phần làm tăng bệnh tim ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, những khu vực này còn có thêm vấn đề về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém hoặc không có. Điều đó có nghĩa là nhiều trường hợp mắc các vấn đề về tim mạch dẫn đến tử vong hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo, bản thân mỗi người cần có ý thức tốt hơn về chăm sóc sức khỏe, đảm bảo chế độ sinh hoạt lành mạnh để có thể phòng ngừa bệnh tim một cách tốt nhất.
nguồn: VTV