Bệnh nhân khỏi COVID-19: 'Tôi run lên và ớn lạnh khi nghe tiếng xe cứu thương'

ngày 25/10/2021

'Tôi đang ngồi trong nhà thì đột nhiên nghe tiếng xe cứu thương, tôi giật mình, người run lên và cảm giác ớn lạnh và có gì đó đau đớn…'.

Anh Kha* biết mắc COVID-19 từ ngày 5/8, điều trị tại địa phương (quận 6, TP.HCM) đến ngày 25/8 thì bình phục. Anh nhận kết quả xét nghiệm âm tính hôm 1/9 và được chứng nhận khỏi bệnh. Nhưng một tháng qua, những ám ảnh về dịch bệnh, sự chết chóc vẫn đeo bám anh, tâm lý nặng nề và không có tinh thần làm việc trở lại.

“Tôi thường xuyên mất ngủ. Đang ngồi trong nhà, nghe tiếng xe cứu thương là giật mình, run lên, cảm giác ớn lạnh. Tôi buồn và có gì đó đau đớn... dường như mọi thứ cứ ám ảnh tôi mãi”, Kha kể. Anh may mắn khỏi bệnh nhưng mẹ anh thì ra đi mãi vì SARS-CoV-2. Đó là sự mất mát, đau thương mà dịch bệnh để lại.

Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh vẫn ám ảnh với những gì họ đã trải qua. (Ảnh minh họa)

Trường hợp của Kha không phải là cá biệt, chị Phương* (38 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cũng gặp tình trạng tương tự. Mất cả cha và mẹ, nỗi mất mát không gì bù đắp nổi, chị cố gắng tiếp tục nuôi con. Nhưng chị lại gặp vấn đề hậu COVID-19. Mắc COVID-19 và khỏi bệnh hơn tháng nay nhưng chị luôn thấy mệt mỏi, tinh thần sa sút và đặc biệt là thiếu động lực làm việc.

Thành phố mở cửa trở lại, chị Phương rất hào hứng cho ngày đi làm trở lại. Ngày đầu đi làm, chị dậy thật sớm sửa soạn quần áo, dắt xe ra khỏi nhà, đi xe ra khỏi con hẻm nhỏ heo hút người, tới đường lớn chị bắt đầu có cảm giác chóng mặt như say xe. Không hiểu chuyện gì xảy ra, dừng định thần một chút, chị quay về nhà và gọi điện xin sếp ở nhà làm online thêm vài ngày nữa.

Chị tìm đến bác sĩ để hiểu rõ vấn đề của mình. Thật ra chị đã hoàn toàn bình phục sau nhiều lần xét nghiệm âm tính, nhưng cảm giác sợ ra ngoài, sợ nơi đông người sau nhiều ngày cách ly hoàn toàn, điều trị COVID-19. Chị biết được mình đã gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hậu COVID-19.

Những ngày sau đó tui vẫn ngại tiếp xúc, luôn mệt mỏi, mất ngủ, có lúc còn chóng mặt như say xe, hễ chỗ đông người là tui sợ lắm. Tui buồn khi bị “kỳ thị” từng là F0 nữa, một vài hàng xóm tránh né tui như tránh tà vậy”, chị Phương chia sẻ.

TS Tâm lý học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) Trì Thị Minh Thúy cho biết, những biểu hiện và trạng thái của anh Kha hay chị Phương là điều có thể xảy ra với người từng mắc COVID-19.

Là người trực tiếp trị liệu tâm lý cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức (TP.HCM), TS Thúy hiểu những người trong và sau COVID-19 có rất nhiều lo lắng, phần đông họ rơi vào trạng thái hoảng loạn, trầm buồn, sợ nơi đông người và ngại tiếp xúc sau thời gian dài nằm viện.

Thông thường khi bị bệnh, bệnh nhân cần một người thân trong gia đình chăm sóc nhưng những người mắc COVID-19 bị cách ly, hoàn toàn không có người nhà, người thân, họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản, chán ăn, không muốn nói chuyện, không muốn tiếp xúc. Điều này dẫn đến những thay đổi về mặt sức khỏe tâm thần sau hồi sức.

TS Trì Thị Minh Thúy.

Những bệnh nhân hoảng loạn hoặc quá sợ hãi, thông thường vào ICU (Hồi sức tích cực) rồi ra, họ nhìn xung quanh thấy toàn dây dợ, người tử vong. Đó là điều rất là kinh khủng, lúc đó sơ trị liệu tâm lý giúp họ từ từ trở lại với thực tại, vượt lên đau khổ, hoảng loạn”, TS Thúy chia sẻ.

Trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân vượt qua lo âu, hoảng loạn, trầm cảm. Sơ cũng đã hỗ trợ giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Tuy nhiên điều này không dễ dàng, ngoài kiến thức chuyên môn thì họ còn cần người bạn kế bên đồng hành, lắng nghe, trò chuyện.

“Sơ gặp bệnh nhân sau hồi sức nằm im, không nói không rằng, không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai. Một người qua giai đoạn bệnh thì những hình ảnh ám ảnh về bệnh, về cái chết do COVID-19 vẫn còn. Phải dùng thủ thuật tâm lý, hoặc trò chuyện để giúp họ nối kết lại với thực tế", TS Thúy chia sẻ.

Sơ Thúy nói chuyện với bệnh nhân.

BS Hoàng Ngọc Vân, Trưởng khoa Hồi Sức và Phục hồi chức năng sau COVID-19, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM cho hay, những bệnh nhân đã điều trị COVID-19 thường gặp áp lực, căng thẳng, lo lắng.

Họ lo bản thân tái dương tính, lo tử vong hoặc hàng ngày nghe tiếng xe cứu thương, đọc những thông tin bệnh nhân qua đời, thở ECMO đều khiến họ sợ hãi và lo lắng. Cộng với việc trong quá trình điều trị, bệnh nhân COVID-19 không có người nhà, chỉ một mình cùng với nhân viên y tế khiến họ thường rơi vào trạng thái buồn bã, không muốn nói chuyện. Sau khỏi bệnh, có thể một vài người vẫn gặp trạng thái này, rồi sợ tiếng xe cứu thương chẳng hạn.

“Mà nhân viên y tế phải chăm sóc nhiều người, ai cũng trong bộ đồ kín mít, nên khó gần gũi, bệnh nhân cũng e ngại khi tiếp xúc. Một số trường hợp gia đình nhiều người là F0 quá, một số trường hợp nhà có người chết vì COVID-19 khó tránh khỏi những tổn thương về mặt tinh thần, tâm lý về sau”, BS Vân cho hay.

Theo BS Vân, F0 sau xuất viện hoặc đã âm tính, về nhà có người chăm sóc tinh thần khá lên nhiều. Người thân cần an ủi, động viên, nói chuyện với họ nhiều hơn, họ sẽ nguôi ngoai dần dần và nhanh chóng trở lại bình thường.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức), tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC (liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi) có tỷ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy cũng có tỷ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Nguồn: https://vtc.vn/benh-nhan-khoi-covid-19-toi-run-len-va-on-lanh-khi-nghe-tieng-xe-cuu-thuong-ar640822.html