Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những tế bào ung thư sẽ phát triển mạnh hơn trong môi trường axit, kiềm hóa bữa ăn sẽ giúp tiêu diệt tế bào ung thư.
Gần đây trên mạng xã hội cũng như từ nhiều nguồn khác nhau rộ lên tin đồn rằng, kiềm hóa máu thông qua chế độ ăn uống bằng thực phẩm có thể điều trị được bệnh ung thư vì người ta cho rằng môi trường axit trong cơ thể là nguồn gốc gây ung thư và đây cũng là môi trường tạo điều kiện cho ung thư phát triển mạnh hơn.
Một số loại thực phẩm được cho có thể làm tăng môi trường axit của cơ thể như: các loại thịt đỏ, thịt gia cầm, cá sữa, trứng, ngũ cốc, rượu… Ngược lại các nhóm thực phẩm được cho là có khả năng kiềm hóa máu như: trái cây, các loại hạt, các loại đậu và rau…
Chị Nguyễn Thị Kh.H. (Đống Đa, Hà Nội) cho biết bản thân chị điều trị ung thư vú được 1 năm. Gần đây, chị được người quen giới thiệu chế độ ăn kiềm hóa để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn ngừa ung thư tái phát.
Chị H. đã chuyển đổi tất cả thực đơn của gia đình sang chế độ ăn kiềm hóa. Hai con nhà chị H. cũng chuyển các chất protein từ động vật sang thực vật để tốt cho sức khỏe.
Ảnh minh họa.
Không riêng chị H., trong cộng đồng hỗ trợ bệnh nhân ung thư nhiều người cũng chia sẻ chế độ ăn kiềm hóa để tiêu diệt tế bào ác tính, không tạo môi trường axit để tế bào trú ẩn.
BSCK II Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết chế độ ăn kiềm hóa là trường phái ăn uống cũng giống như thực dưỡng. Nhiều người tin và ăn theo nó. Mỗi chế độ ăn là thói quen là niềm tin của từng người. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho biết dù bạn ăn kiềm hóa thì cũng không thể tăng độ pH trong máu lên.
Sở dĩ nhiều người tin rằng kiềm hóa để tiêu diệt tế bào ung thư vì các nghiên cứu nguời ta thấy xung quanh khối u môi trường có tính axit. Có thể do cơ thể tạo môi tường axit bao quanh khối u, hoặc có thể khối u sinh ra nên người ta cho rằng ăn chế độ ăn kiềm hóa thì sẽ tiêu diệt được tế bào ung thư.
Những người theo trường phái kiềm hóa ăn các thực phẩm giàu kiềm như rau củ quả, các loại hạt và họ tránh xa các loại thực phẩm sinh axit như thịt, cá, trứng, đồ uống có cồn,
BS Vũ cho biết cân bằng kiềm toan rất phức tạp, độ pH phải giữ mức độ nhất định. Nếu pH máu tăng nhiều quá, giảm nhiều quá có thể ảnh hưởng sức khỏe cơ thể, thậm chí tử vong. Nếu máu bị kiềm pH 7.55 thì nguy cơ tử vong là 45% và nguy cơ tử vong tăng lên 80% nếu pH 7.65.
Bên cạnh đó, nếu được can thiệp y tế kịp thời và cứu sống thì sẽ để lại những di chứng thần kinh hết sức nặng nề.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu nếu ăn thịt đỏ quá nhiều, có nguy cơ dẫn đến ung thư đường ruột. Vì nếu tiêu thụ nhiều thịt đỏ, chúng có chứa các chất có khả năng kích hoạt quá trình biến đổi tế bào dẫn đến ung thư chứ không phải vì thịt đỏ có tính axit.
Hai cơ quan giữ pH cơ thể ổn định là thận và phổi. Thay đổi pH trong nước tiểu sau ăn là do thận điều tiết. Một số người thử pH của nước tiểu để cho rằng pH máu tốt. Thực tế, pH trong nước tiểu thay đổi thường xuyên không liên quan tới pH trong máu.
Chế độ ăn giàu kiềm chỉ có thể làm thay đổi lượng pH của nước tiểu và nước bọt trong cơ thể. Không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng chế độ ăn giàu kiềm có thể làm tăng pH trong máu.
Thức ăn cũng không thay đổi được pH trong máu. Các loại thức ăn kiềm hóa chỉ mang tính quảng cáo, không tác động tới tế bào ung thư.
Một chế độ ăn lành mạnh, hạn chế rượu bia, ăn nhiều rau xanh trái cây vẫn luôn là chế độ độ ăn tốt nhất.
Bác sĩ Vũ cho rằng bạn không thể ăn một chế độ nào đó với mong muốn trị bệnh ung thư hay phòng bệnh ung thư. Bạn cần ăn đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường, thêm thật nhiều rau xanh, trái cây là chế độ ăn lý tưởng nhất.
Chế độ ăn giàu kiềm là giảm chất béo và thịt trong khẩu phần, khuyến khích ăn nhiều trái cây và rau quả. Điều này cung cấp một số lợi ích cho sức khỏe, giúp một số người duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh nhưng bạn vẫn phải cân bằng, không bỏ hoàn toàn thịt, trứng, cá ra khỏi thực đơn.
Thực tế, tác giả của cuốn sách nổi tiếng về kiềm hóa đã được tòa án Mỹ kết tội vì hành nghề không được phép và bệnh nhân ung thư bỏ hóa trị ăn theo khiến bệnh di căn, bệnh nhân đã kiện tác giả cuốn sách.
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn