Đại dịch có thực sự chấm dứt trong năm nay?

ngày 05/05/2023

Các chuyên gia nhận định thế giới dần chuyển sang giai đoạn bình thường, song sự tiến hóa của nCoV - nguyên nhân gây các đợt bùng phát lớn - vẫn là biến số.

Hơn một năm trôi qua kể từ lần cuối cùng thế giới ghi nhận số ca tử vong hàng ngày trên 10.000. Mùa đông gần đây được coi là khoảng thời gian "ít chết chóc" nhất của đại dịch, với sự hoành hành của biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng gây triệu chứng nhẹ. Vì những lý do này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cân nhắc gỡ bỏ tình trạng sức khỏe khẩn cấp về Covid-19 trong cuộc họp sắp diễn ra.

Shweta Bansal, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Georgetown, Mỹ, nhận định tình hình đã khả quan hơn trước đây. Tuy nhiên, bà chưa chắc chắn liệu đây có phải thời điểm kết thúc đại dịch, hay chỉ ở ngưỡng yên bình "tạm thời", khi virus rời xa một thời gian, sau đó quay trở lại. Trong hai năm qua, số ca mắc mới ở Mỹ thường giảm từ tháng 3 đến tháng 6, trước khi tăng vào tháng 7.

Các chuyên gia cho biết các đợt bùng phát lớn của giai đoạn trước được hình thành từ ba yếu tố: khả năng miễn dịch cộng đồng thấp; những thay đổi về gene cho phép nCoV vượt hàng rào bảo vệ, tiếp tục lây nhiễm; các hoạt động sinh tồn khiến con người tiếp xúc virus thường xuyên.

Hiện, hầu hết người dân trên thế giới đã mắc bệnh hoặc tiêm chủng. Các nước cũng gỡ bỏ các quy tắc phòng dịch như khẩu trang, giữ khoảng cách. Vì vậy, theo Emily Martin, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Michigan, sự tiến hóa của virus trở thành biến số duy nhất quyết định quy mô và mức độ nghiêm trọng của đại dịch trong giai đoạn tiếp theo.

Ví dụ, nCoV có thể tiến hóa đủ nhiều để tạo ra làn sóng Omicron như hồi đầu năm 2022. Tuy nhiên, virus dường như mắc kẹt ở biến chủng này một thời gian khá dài, chỉ tạo ra các biến chủng phụ nhỏ lẻ, mức độ nghiêm trọng không đáng kể.

Virginia Pitzer, chuyên gia dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm Đại học Yale, nhận định một cách thận trọng: "Chúng ta đang ở thời kỳ đầu của bình thường mới thực sự".

Giới chức hàng đầu của Mỹ đánh cược vào dự đoán đó. Chính phủ nước này đã thông qua dự luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 trong tháng 5. Tại hội nghị do Hiệp hội Y khoa Massachusetts tổ chức cuối tháng 3, Ashish Jha, điều phối viên Nhóm Ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết mùa đông tương đối yên bình vừa qua là lý do chính khiến Tổng thống Joe Biden đi đến quyết định này.

Ông Jha nhận định hiện tại, các biện pháp cứng rắn không còn quan trọng và phù hợp. Người Mỹ chủ yếu dựa vào vaccine và thuốc kháng virus để đối phó với dịch bệnh.

"Nếu đã tiêm chủng và được điều trị bằng Paxlovid, bạn sẽ không chết vì loại virus này", ông Jha nói.

Tuy nhiên, việc đưa ra đánh giá khi nào đại dịch chấm dứt hoàn toàn là rất khó khăn. Theo các chuyên gia, số ca nhiễm nCoV sẽ giảm khi mùa đông chuyển sang mùa xuân, giống với các loại virus đường hô hấp khác. Dù vậy, hiện có quá ít dữ liệu để tuyên bố chắc chắn rằng Covid-19 là căn bệnh theo mùa.

Gần đây, biến chủng phụ của Omicron là XBB.1.16 gây ra làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á. Biến chủng này hiện chiếm khoảng 10% các ca nhiễm ở Mỹ, kèm theo triệu chứng mới là viêm kết mạc. Biến chủng phụ mới khác là XBB.1.9.1, cũng chiếm khoảng 8% số ca nhiễm.

Tiến sĩ Robert Wachter, Trưởng khoa Y tại Đại học California, San Francisco, vẫn khuyến khích người dân đeo khẩu trang tại những nơi đông đúc, mục đích tránh Covid-19 kéo dài.

"Khác với hai hoặc ba năm trước, tôi không sợ mình sẽ chết vì virus. Nhưng tôi nghĩ Covid-19 kéo dài là một vấn đề rất thật. Vợ tôi đã gặp Covid kéo dài, nên tôi rất quan tâm đến tình trạng này", ông nói.

Mặt khác, theo tiến sĩ Taison Bell, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Virginia, hiện nhóm phải nhập viện điều trị chủ yếu là người lớn tuổi, mắc các bệnh nền từ trước làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch hoặc chức năng phổi của họ. Nhiều người trong nhóm này cũng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine Covid-19. Do đó, điều cần thiết là những người này cần tiêm đúng và đủ các liều vaccine theo khuyến nghị.

Nguồn: VnExpress