Ấm áp ngân hàng sữa mẹ

ngày 05/01/2021

Sữa trước khi đưa vào lưu trữ tại Ngân hàng sữa mẹ được thanh trùng, xử lý kỹ càng để đảm bảo chất lượng cho các em bé sơ sinh sử dụng

Đã hơn 4 tháng trôi qua, bác sĩ Huỳnh Thị Lệ (Khoa Nhi Sơ sinh) vẫn nhớ như in câu chuyện về nữ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và sinh luôn tại đây. Bác sĩ Lệ là một trong những thành viên của Bệnh viện Phụ sản - Nhi được phân công lên cùng ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang thực hiện ca sinh mổ cho bệnh nhân vào đêm 15/8. “Mẹ tròn con vuông”, cả bệnh viện đều vui mừng vì đây là ca nhiễm COVOD-19 đầu tiên của Việt Nam sinh con. Nhưng sau sinh, em bé khó thở, mẹ lại sốt cao nên những giờ đầu đời của bé chưa thể bú mẹ tốt như những em bé khác. Các bác sĩ quyết định hỗ trợ sữa ngoài cho em bé.

Khi ấy, tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng vẫn còn căng thẳng, mọi di chuyển, hoạt động đều tuân thủ các quy định phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt. Từ Ngân hàng sữa mẹ, các điều dưỡng lấy số lượng phù hợp cho vào thùng giữ nhiệt rồi vận chuyển tức tốc lên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang bằng xe cấp cứu. Sữa tiếp tục được đi theo phân luồng riêng vào phòng điều trị. Chưa đầy một giờ, em bé đã có sữa để ăn những bữa đầu đời. “Lúc đó, mình và một nữ hộ sinh đã có mặt trong phòng để cho bé ăn. Suốt gần một ngày như vậy, bé được dùng sữa từ ngân hàng sữa mẹ. Ngoài ra còn để dành thêm một phần phòng khi sữa mẹ để chưa về kịp”, bác sĩ Lệ nhớ lại.

Bác sĩ Lệ cho biết, với những bé sơ sinh, sữa mẹ là tốt nhất, chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ mới dùng sữa công thức hoặc truyền dịch. Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, muốn xin được thìa sữa mẹ cho bé không đơn giản như những ngày trong trạng thái bình thường, nên Ngân hàng sữa mẹ là chiếc phao cho những ca sinh đặc biệt như thế. Ở ngân hàng, mọi thông tin về sữa rất rõ ràng, chất lượng đảm bảo vì đã được sàng lọc, xét nghiệm kỹ. Và hơn hết, ngân hàng đã phân loại để dùng phù hợp cho tình trạng từng bé.

Trên bảng thông tin tình hình sữa mẹ treo tại ngân hàng, những tháng 7, 8, 9, số người hiến tặng sữa giảm hẳn. Tháng 9 chỉ độc nhất một người hiến tặng. Nữ điều dưỡng Lê Thị Thanh Hương giải thích, đó là những tháng “chịu trận” của dịch bệnh. “Các bà mẹ cứ nghe tới cán bộ, nhân viên y tế là sợ, vì bệnh viện lúc ấy là tâm dịch. Họ chẳng dám gọi mình tới lấy sữa, mình gọi tới thì họ né, kếu để yên rồi tính tiếp”, chị nói. Thời điểm ấy, số lượng sản phụ tới sinh ở bệnh viện cũng giảm, đồng nghĩa với nguồn sữa thô hiến tặng cho ngân hàng vơi đi. “Chúng tôi đã thật sự rất lo sợ thiếu hụt nguồn sữa dự trữ”, chị Hương kể.

Trong căn phòng của những bé sinh non trên tầng hai bệnh viện, nhiều bé được nuôi nấng bởi dòng sữa thơm lành từ Ngân hàng. Bà Huỳnh Thị Bảy (56 tuổi, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) một lúc trông hai đứa cháu sinh đôi. Mẹ của hai bé lâm bệnh nặng đang nằm điều trị tại bệnh viện khác nên không thể cho con bú mớm, cả hai được Ngân hàng sữa mẹ cho sữa miễn phí hằng ngày. Bà Bảy xúc động: “Nếu không có Ngân hàng sữa mẹ, nhà tôi không biết xoay xở thế nào. Nghe tin bệnh viện sẽ hỗ trợ cho đến khi ra viện mà mừng ứa nước mắt”.


Nguồn: PNVN