Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã có 80.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3 lần so với cùng kì năm 2018), trong đó có 6 trường hợp tử vong.
Hiện nay, sốt xuất huyết đã lan rộng ở 34 tỉnh, thành phố. Dự báo số ca mắc mới sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã chỉ ra những ngộ nhận về căn bệnh sốt xuất huyết khiến số lượng ca mắc bệnh ngày càng tăng lên ở nước ta.
Tiếp xúc với người mắc sốt xuất huyết sẽ bị lây
Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh.
Sốt xuất huyết chỉ lây qua đường muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành.
Hết sốt là hết bệnh
Bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn biến qua các giai đoạn: trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước. Nhiều người cho rằng hết sốt thì bệnh sắp khỏi. Nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng như: mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị giảm tiểu cầu dẫn đến chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da…
Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.
Mỗi người chỉ mắc sốt xuất huyết 1 lần
Đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Hiện lưu hành 4 tuýp vi rút sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.
Cụ thể, vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó, nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng vi rút còn lại.
Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp vi rút Dengue còn lại.
Uống thuốc Aspirin và ibuprofen
Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Muỗi truyền sốt xuất huyết chỉ có ở nơi ao tù, nước đọng
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng...
Vì vậy, cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước đọng, không cho muỗi có nơi sinh sản và phát triển.
Phun thuốc diệt muỗi là cách tốt nhất phòng chống sốt xuất huyết
Nhiều người nghĩ rằng gia đình đã từng phun thuốc diệt muỗi là vĩnh viễn muỗi sẽ không xuất hiện trở lại trong thời gian hàng tháng. Điều đó là quan niệm sai lầm. Bởi thuốc phun diệt muỗi là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương và diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó.
Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người.
Vì vậy, nếu phun thuốc muỗi dập dịch sốt xuất huyết, cần phải phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư mới có tác dụng triệt để.