1.000 bệnh nhân của bệnh viện Việt Đức sẽ điều trị tiếp tại 3 bệnh viện ở Hà Nội

ngày 04/10/2021

 Làm việc với Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 4/10, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đề xuất được chuyển người bệnh sang điều trị tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đức Giang. Bệnh viện Việt Đức đã làm việc với 3 bệnh viện nói trên về vấn đề này.

Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết hiện còn 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế đang có mặt trong khuôn viên bệnh viện. Đến nay tất cả những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.

Hiện những ca F0 liên quan đến BV Việt Đức trên địa bàn Hà Nội đã chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị, các F1 tại bệnh viện này cũng đã di chuyển đến địa điểm cách ly tập trung của TP Hà Nội từ rạng sáng ngày 3/10 (khoảng 150 người).

Đến nay, liên quan đến Bệnh viện Việt Đức đã có 41 ca mắc COVID-19, trong đó Hà Nội ghi nhận 33 ca nhiễm. 8 trường hợp còn lại được phát hiện ở Nam Định (4), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (2) và Hải Dương (1).

Bệnh viện cũng đề nghị quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ về thủ tục đối với những trường hợp là người đã ghép tạng đến khám lại lấy thuốc để loại trừ thải ghép. Những người này đến khám trong ngày, vào đúng thời điểm bệnh viện tạm phong toả chống dịch hiện đang kẹt tại bệnh viện, họ mong được giải toả. Ngoài ra còn có các trường hợp chạy thận chu kỳ được ra/vào để chạy thận. Những trường hợp này đều tuân thủ phòng chống dịch và đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Dự kiến sẽ chuyển 200 người gồm cả bệnh nhân và người nhà đến Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, 450 người đến Bệnh viện Thanh Nhàn và 350 người sang Bệnh viện Đức Giang. "Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế và Sở Y tế TP Hà Nội, các đơn vị chức năng liên quan khác hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức trong việc di chuyển người bệnh, người nhà nhằm giãn cách để làm sạch bệnh viện dần dần", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói.

Dự kiến ngày mai, 5/10 bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 3. Do đó, bệnh viện đề xuất sẽ bàn bạc với phường để những trường hợp nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và 3 lần xét nghiệm âm tính trong 7 ngày có phương án xử lý phù hợp. Về đề xuất này, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay có thể giãn cách nhân viên y tế ra khách sạn lưu trú, sau đó hằng ngày, hoặc giãn cách theo hình thức phù hợp vào chăm sóc người bệnh, tuỳ vào đề xuất của Bệnh viện Việt Đức và thống nhất với phường, quận. Tuy nhiên cách làm phải đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức vấn đề này.

Ông Khuê yêu cầu phải xét nghiệm để làm sạch vùng đỏ, giữ an toàn các vùng xanh. Riêng khu vực F0 phải cách li tuyệt đối. Còn các khu vực khác phải đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn. Hiện Bộ Y tế chưa có quyết định phong toả toàn bệnh viện mà chỉ phong toả nhà D, nhà ăn và khu vực nhà 15B. “Hướng sớm nhất là giải toả sau khi làm sạch để đón bệnh nhân", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Riêng nhân viên y tế và người bệnh ở tầng 7, tầng 8 thực hiện nghiêm ngặt phong toả. Cơm, thực phẩm và nhu yếu phẩm được bộ phận chuyên môn mặc đồ bảo hộ vận chuyển lên tận nơi, để ở bàn đã chuẩn bị sẵn. Khi bộ phận này di chuyển thì những trường hợp đang cách li tại 2 tầng này mới được ra lấy đồ.

Tại buổi làm việc, qua điện thoại Giám đốc bệnh viện ĐH Y Hà Nội đồng ý tiếp nhận điều trị bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Đức sau khi PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu đề xuất của Bệnh viện Việt Đức.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn, Đức Giang đều nhất trí hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Việt Đức phải rà soát chặt chẽ, đảm bảo việc chuyển bệnh nhân, người nhà phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. “Quá trình di chuyển đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức", ông Khuê nói.

Nguồn Tienphong