Theo CNN, phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội đồng Y tế thế giới hôm 31/5, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết thế giới “còn rất nhiều việc phải làm” sau khi chấm dứt dịch Covid-19, và không một quốc gia nào được phép lơ là, chủ quan trước những nguy cơ đại dịch.
“Chúng tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều khi số ca nhiễm và tử vong đang tiếp tục giảm trên toàn cầu, nhưng sẽ là một sai lầm lớn đối với bất kỳ quốc gia nào khi nghĩ rằng mối nguy hiểm đã trôi qua”, ông Tedros phát biểu.
Theo Tổng giám đốc WHO, con đường thoát khỏi đại dịch là phải áp dụng phù hợp và nhất quán các biện pháp y tế cộng đồng, kết hợp với thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng công bằng. Ông Tedros kêu gọi các nước thành viên cam kết hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu, như đạt ít nhất 10% dân số được tiêm vắc-xin Covid-19 ở tất cả các quốc gia vào cuối tháng 9 tới, nâng tỷ lệ này lên ít nhất 30% vào cuối năm nay.
“Hy vọng một ngày không xa, đại dịch sẽ được chúng ta bỏ lại phía sau, nhưng những vết sẹo tâm lý sẽ vẫn còn hiện hữu với những ai đã mất đi người thân, những nhân viên y tế đã phải căng mình chống dịch, cùng hàng triệu người thuộc mọi lứa tuổi đã phải đối mặt với những tháng ngày cô đơn và biệt lập”, ông Tedros nói thêm.
Cũng trong ngày 31/5, WHO còn thông báo về việc gán "nhãn hiệu" mới cho các biến thể chính của virus corona. Tên gọi của các biến thể này giờ đây sẽ được xác định bằng bảng chữ cái Hy Lạp, thay vì nơi chúng được phát hiện lần đầu.
Ví dụ, biến thể từ Anh (B.1.1.7) sẽ được gọi là Alpha, biến thể từ Nam Phi (B.1.351) sẽ được gọi là Beta, trong khi Biến thể P.1, được phát hiện lần đầu ở Brazil, sẽ mang tên Gamma. Tương tự, biến thể B.1.617.2 có xuất xứ từ Ấn Độ giờ sẽ được gọi là Delta, còn các biến thể đáng chú ý sau này sẽ lần lượt được đặt tên gọi từ Epsilon đến Kappa.
Theo Hội đồng chuyên gia của WHO, cách gọi mới sẽ "dễ dàng và mang tính thực tiễn hơn đối với những người không làm trong lĩnh vực khoa học". Dù vậy, WHO cũng lưu ý điều này không đồng nghĩa với việc thay thế hoàn toàn tên khoa học của các biến thể virus corona, vốn vẫn sẽ được sử dụng trong các nghiên cứu.
"Không quốc gia nào đáng bị kỳ thị vì đã phát hiện và ghi nhận các biến thể", Maria Van Kerkhove, trưởng bộ phận chuyên môn của WHO về phản ứng với Covid-19, viết trên Twitter.