Tin mới về y tế ngày 27/5: Theo dõi sát sự xuất hiện các biến chủng Omicron mới

ngày 27/05/2022

Bộ Y tế đã và đang bám sát sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 khi New Zealand phát hiện ca đầu tiên nhiễm dòng phụ BA.2.12.1 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.

Theo dõi sát biến chủng mới

Ngày 25/5, nhà chức trách New Zealand thông báo phát hiện ca đầu tiên nhiễm dòng phụ BA.2.12.1 của biến thể Omicron trong cộng đồng.

Bộ Y tế đã và đang bám sát sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 khi New Zealand phát hiện ca đầu tiên nhiễm dòng phụ BA.2.12.1 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.

Bộ Y tế New Zealand cho biết ca nhiễm sống tại Vịnh Hawke's, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 10/5. Trường hợp này không có mối liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Dòng phụ này của biến thể Omicron đang là biến thể chủ đạo khiến dịch bệnh lây lan tại Mỹ và được phát hiện ở các trường hợp nhập cảnh tại New Zealand trong nhiều tuần.

Thống kê cho thấy New Zealand đã ghi nhận 29 trường hợp nhập cảnh nhiễm dòng phụ BA.2.12.1 này kể từ tháng 4/2022, nên việc dòng phụ này lây lan trong cộng đồng cũng không nằm ngoài dự đoán của nhà chức trách.

TP.HCM: Giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ bệnh đầu mùa khỉ ngay tại cửa khẩu

Để phát hiện sớm người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế TP.HCM đã tăng cường các biện pháp giám sát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, đặc biệt là người đến từ các quốc gia đang có bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, các trường hợp được coi là nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau kể từ ngày 15/3/2022 như đau đầu, sốt (trên 38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, việc tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Bên cạnh đó Sở này yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh theo định nghĩa của tổ chức y tế thế giới. Khi phát hiện sẽ báo cáo ngay với sở y tế phối hợp với viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để chuẩn đoán ca bệnh.”

Người dân cần tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh.

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, hắt hơi, người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

TP.HCM yêu cầu các quận, huyện nhanh chóng tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4

Sở Y tế TP.HCM cho biết qua tổng hợp, báo cáo của các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các địa phương đề xuất nhu cầu vắc-xin phòng quá thấp, chỉ có 46.496 liều vắc-xin Covid-19. Trong khi số người cần tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) còn lại là 1,52 triệu người để đạt được tỉ lệ 90%.

Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, TP.Thủ Đức nhanh chóng tổ chức triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), lần 2 (mũi 4).

Đồng thời thống kê số lượng người chưa tiêm đủ mũi vắc-xin, và ghi nhận lại lý do những trường hợp không đồng ý tiêm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM, trong năm 2021, thành phố đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, dẫn đến hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ gặp nhiều khó khăn.

Điều này khiến tỉ lệ tiêm chủng của trẻ còn thấp, đặc biệt là tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), có nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh đã có vắc-xin.

Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-ve-y-te-ngay-275-theo-doi-sat-su-xuat-hien-cac-bien-chung-omicron-moi-d166678.html