Ngôi nhà nhỏ ven con đường dẫn vào xã Bàu Trâm, TP Long Khánh, Đồng Nai oe oe tiếng khóc trẻ sơ sinh, cười đùa rộn ràng. Có khách lạ ghé thăm, vợ chồng chị Phạm Thị Hằng (39 tuổi) và anh Đỗ Văn Công (46 tuổi) đon đả pha nước mời khách. Chị Hằng cho biết hiện tại con trai tăng cân, bú khỏe, đêm ngủ ngoan. Còn bản thân chị khỏe, không còn đau ở vết mổ.
Chị Hằng là thai phụ bị vỡ tử cung trong lúc chuyển dạ vừa được cứu sống một cách kỳ diệu mới đây tại BV đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai.
“Không hiểu sao ai cũng chạy”
Tối 22-6, lúc hơn 22 giờ, chị Hằng xem xong bộ phim thì cảm thấy đau bụng. Do từng sinh hai con gái đầu lòng khá dễ dàng và suýt đẻ con gái thứ hai trên taxi nên chồng chị tức tốc chở chị bằng xe máy vào BV đa khoa khu vực Long Khánh, không kịp xếp quần áo. Mất chừng 20 phút, hai vợ chồng mới đến bệnh viện. Trong lúc chờ chồng làm thủ tục nhập viện, chị Hằng cảm thấy đột ngột đau thốn lên nên được đưa vào khoa sản để đo tim thai gấp.
“Lúc đó, bác sĩ (BS) thông báo là tim thai đập yếu lắm mặc dù tôi vẫn tỉnh. Đột ngột tôi thấy cả phòng trực bắt đầu chạy, người chạy ra trước mở cửa, người cắm ống ôxy vào mũi tôi và đẩy tôi chạy ầm ầm đến phòng mổ. Thấy BS chạy như vậy, tôi nghĩ là bé đang gặp nguy hiểm chứ không nghĩ mạng mình cũng nguy hiểm. Vào đến phòng mổ là tôi hôn mê, không còn biết chuyện gì” - chị Hằng nhớ lại.
Chứng kiến cảnh nhốn nháo của các y BS, lòng anh Công như lửa đốt. Ngồi trước cửa phòng mổ được một lúc, anh được gọi vào phòng mổ và thấy các BS đã bắt được con trai ra nhưng không biết tình trạng bé thế nào. Một tốp BS vây quanh bàn mổ với máu đỏ trên vải mổ rất nhiều, một tốp bên cạnh đang xúm lại bóp bóng thở cho em bé. Một BS thông báo với anh rằng tử cung của vợ anh đã vỡ toác, máu chảy nhiều, phải mổ cắt cấp cứu cầm máu ngay. Nét chữ anh run run ký vào giấy đồng ý cắt tử cung để cầm máu cho vợ, trong lòng phập phồng lo sợ tính mạng của hai mẹ con không giữ được.
Giờ đây, hạnh phúc chứng kiến vợ con khỏe mạnh về nhà, anh Công bày tỏ: “Do vợ tôi say xe nên tôi quyết định chở đi bằng xe máy, chứ chờ taxi đến thì không biết chuyện gì xảy ra. May mắn hơn là đến bệnh viện, mọi thủ tục tiếp nhận bệnh, khám thai đều diễn ra rất nhanh, các y BS rất tận tình, xử lý dứt khoát, chứ chờ xét nghiệm, thủ tục lằng nhằng thì chắc không kịp rồi”.
Bỏ qua mọi thủ tục hành chính
Trực tiếp mổ bắt bé trai cho sản phụ Phạm Thị Hằng, ThS-BS Nguyễn Đức Toản kể lại: Tim thai bình thường, khoảng 120-160 nhịp/phút nhưng tim thai bé trai rất yếu, chỉ 50-60 nhịp/phút, chứng tỏ suy thai rất nặng. “Các thủ tục và các xét nghiệm chưa có kết quả mà không mổ ngay thì con chết, chúng tôi hội ý chớp nhoáng là phải mổ ngay rồi bắt đầu chạy, chưa kịp yêu cầu người nhà ký cả cam kết gì cả. Tất cả hộ sinh, hộ lý, BS phẫu thuật và gây mê hồi sức cùng phối hợp, nhập cuộc nhịp nhàng” - BS Toản nhớ lại.
Khi rạch ổ bụng sản phụ, êkíp mổ bất ngờ khi thấy khoang bụng ngập toàn máu, bé trai được đưa ra khỏi bụng người mẹ gấp để chuyển cho êkíp hồi sức cho bé. Tiếp tục kiểm tra, các BS nhận thấy đáy tử cung sản phụ vỡ toác, toàn bộ bánh nhau và bọc ối thoát ra khỏi tử cung ở vết mổ u xơ cách đây ba năm và rơi hoàn toàn vào trong ổ bụng. Các BS hội chẩn một lần nữa và quyết định cắt tử cung, cầm máu để cứu người mẹ.
Song song đó, kíp gây mê hồi sức gồm BS Lữ Mạnh Tuấn và các kỹ thuật viên gây mê hồi sức tiếp nhận bé trai trong tình trạng mềm nhũn, trắng bệch vì ngạt trong bụng mẹ, lập tức vào cuộc hồi sức cho bé khẩn cấp.
Mỗi người một việc, người ép tim, người bóp bóng, người theo dõi, đánh giá hiệu quả hồi sức tim phổi cho bé. Căn phòng lạnh cóng nhưng nỗ lực căng thẳng giành giật sự sống cho bé khiến ai nấy toát mồ hôi. 3 phút, 5 phút trôi qua, bé vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng, chỉ hồng lên nhưng nhịp thở và nhịp tim vẫn yếu và chậm, khoảnh khắc cứu bé dài vô tận. Cố thêm chừng 3 phút nữa, nhịp tim bé bắt đầu tăng lên, bé thở mạnh hơn và bất ngờ có phản xạ cất tiếng khóc nho nhỏ. “Bé khóc rồi!” - BS Tuấn thông báo khiến cả phòng vỡ òa, nhẹ nhõm. Tiếng khóc chuyển to dần, rồi vang to cả căn phòng. “Phải gọi là kỳ tích, bé trai rất may mắn khi cha mẹ đã đến bệnh viện kịp thời, chứ nếu không thì sự can thiệp của êkíp hồi sức chỉ còn là thừa. Chỉ cần ngạt thêm vài phút nữa thì em bé có lẽ đã chết lưu trong bụng mẹ” - BS Tuấn chia sẻ.
Phản xạ cứu mạng chính xác từng giây
Ca này khá đặc biệt khi ban đầu chúng tôi chỉ phát hiện thai suy mà không nghĩ vỡ tử cung, bởi vỡ tử cung trên vết mổ cũ thường diễn tiến thầm lặng và vỡ đột ngột, cứ phản xạ nghề nghiệp, thấy nguy hiểm mạng sống bệnh nhân là chạy. Nghề y đòi hỏi những giây phút xử lý tình huống sống còn quyết định bởi thời gian, có khi chỉ tính bằng giây, không được phép có động tác thừa, chờ làm quy trình thủ tục hành chính thì bệnh nhân có thể không giữ được mạng.