Bộ Y tế Việt Nam và các cơ quan y tế lớn trên thế giới như WHO và US-CDC đều khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm hàng năm cho mọi đối tượng để chủ động bảo vệ và giảm nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm do cúm mùa gây ra.
Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp và gây ra bởi 2 phân tuýp virus cúmA/H1N1, A/H3N2 và 2 dòng virus cúmB/Yamagata, B/Victoria. Người nhiễm cúm mùa có thể lây cho những người khác trong khoảng cách 2m. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng virus cúmlây lan chủ yếu qua các giọt nhỏ được tạo ra khi người bị bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Các triệu chứng có thể bắt đầu khoảng 2 ngày (có thể từ 1 đến 4 ngày) sau khi virus xâm nhập vào cơ thể. Điều đó có nghĩa là bạn có thể truyền bệnh Cúm cho người khác trước khi biết mình bị bệnh, cũng như trong khi bị bệnh. Một số người có thể bị nhiễm virus cúmnhưng không có triệu chứng rõ ràng. Trong thời gian này, những người đó vẫn có thể lây virus cho người khác.
Ai có thể bị nhiễm cúm mùa?
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm cúm mùa (kể cả những người khỏe mạnh), và các biến chứng do cúm gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, phần lớn người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm: người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền mãn tính (như tim mạch,…), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Đối với trẻ em, cúm mùa có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, làm trầm trọng hơn bệnh lý đang có. Trong khi đó, với người lớn tuổi (trên 65 tuổi), nhiễm cúm có thể góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến cho người lớn tuổi không thể hồi phục trở lại với đủ chức năng trước đó khi đã qua khỏi nhiễm trùng. Và những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch trước đó, cúm mùa có thể thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Tiêm ngừa cúm mùa là phương pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả
Để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và giảm các nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm kể trên do cúm mùa gây ra, Bộ Y tế Việt Nam và các cơ quan y tế lớn trên thế giới như WHO và US-CDC khuyến cáo mọi người nên tiêm ngừa cúm hàng năm.
Thêm vào đó, bạn cũng cần lưu ý duy trì việc tiêm vaccine cúm mùa hàng năm để đảm bảo khả năng miễn dịch phòng bệnh tốt nhất có thể. Bởi hệ thống miễn dịch của một người được bảo vệ bởi vaccine cúm mùa sẽ suy giảm theo thời gian và virus gây cúm mùa mỗi năm thường không giống nhau. Vaccine cúm sẽ được cập nhật liên tục để có thể đáp ứng tốt nhất với các chủng virus cúmlưu hành trong thực tế.
Hiện nay, tại Việt Nam, bạn có 2 sự lựa chọn vaccine cúm mùa là vaccine cúm mùa tam giá – có chứa kháng nguyên của hai phân tuýp virus cúm A và 1 trong 2 dòng virus cúm B; và vaccine cúm mùa tứ giá - có chứa kháng nguyên của cả 2 phân tuýp virus cúm A và 2 dòng virus cúm B, có thể cung cấp sự bảo vệ rộng hơn đối với các dòng virus cúm B đang lưu hành. Để biết mình phù hợp với loại vaccine nào, hãy thăm hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn tiêm ngừa phù hợp.
Đồng thời, bên cạnh tiêm vaccine ngừa bệnh, bạn cũng cần chủ động phòng tránh cúm mùa bằng cách tuân thủ các nguyên tắc quan trọng gồm: rửa tay thường xuyên và lau khô tay đúng cách; giữ vệ sinh hô hấp tốt - che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; sử dụng khăn giấy và vứt bỏ chúng đúng nơi quy định; hạn chế tiếp xúc với người khác khi cảm thấy không khỏe, sốt và có các triệu chứng khác của bệnh cúm và tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//tiem-ngua-cum-hang-nam-cho-ca-gia-dinh-viec-nen-lam-1692203101723504.htm