Hội chứng ruột kích thích là bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến. Một trong những triệu chứng khó chịu của bệnh là đầy bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân sống, đau bụng… Cần dùng thuốc thế nào để giải quyết tình trạng này?
1. Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích với triệu chứng đặc trưng là đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, táo bón… Tình trạng này khiến người bệnh rất khó chịu, gây ảnh hưởng không ít đến cuộc sống, sinh hoạt nếu không có cách kiểm soát phù hợp.
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa được xác định rõ, nhưng sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng này. Ngoài ra những người bị stress, trầm cảm… có nguy cơ cao mắc bệnh nhiều hơn.
2. Điều trị đầy hơi, đi ngoài phân sống, tiêu chảy kéo dài do hội chứng ruột kích thích
Để điều trị bệnh, cần phải kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập và uống thuốc.
Về dùng thuốc, có thể sử dụng các thuốc:
- Thuốc chống co thắt loại hướng cơ, giúp giảm đau như duspataline, no-spa… Thuốc chống co thắt có tác dụng trực tiếp trên cơ trơn của dạ dày, ruột nhưng không gây ảnh hưởng đến nhu động bình thường của cơ trơn đường tiêu hoá. Thuốc có tác dụng chống co thắt, giúp nhu động ruột ở mức bình thường, không gây giảm trương lực đường tiêu hóa. Từ đó làm giảm các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy…
- Thuốc làm đặc phân, chống tiêu chảy như smecta, actapulgite, imodium…
- Thuốc chống sinh hơi gồm meteospasmyl, pepsan, than hoạt…
- Men vi sinh: Một trong những nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích là do sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột dẫn đến đi ngoài phân sống, tiêu chảy... Vì thế việc sử dụng men vi sinh, bổ sung lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể mang lại nhiều tác động tích cực trong việc hỗ trợ điều trị.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chế phẩm sinh học cụ thể có khả năng tác động vào các triệu chứng cụ thể:
+ Các loại men vi sinh chứa B. lactis, L. acidophilus, L. bulgaricus và S. Thermophilus... giúp giảm đầy hơi chướng bụng sau bốn tuần điều trị.
+ Men vi sinh có chứa B. coagulans và S. Boulardii có thể giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy.
+ Men vi sinh từ các họ Bifidobacterium, Lactobacillus và Saccharomyces có thể giúp giảm triệu chứng đau bụng…
3. Lưu ý khi dùng thuốc
Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường tái phát nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm. Do đó người bệnh có tâm lý rất sốt ruột, lo lắng… Từ đó sẽ đi khám bệnh nhiều nơi, mỗi nơi có thể lại hướng dẫn cách điều trị khác nhau. Chính vì thế bệnh nhân dễ rơi vào tâm lý lo sợ…
Cần lưu ý, đây là một bệnh mặc dù gây phiền toái và cực kỳ khó chịu cho người bệnh nhưng không phải là bệnh ác tính. Khi điều trị, bệnh nhân cần phải kiên trì thực hiện mới mang lại kết quả ổn định bệnh.
Nhìn chung các thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích, kể cả men vi sinh đều cần sử dụng theo đơn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Mỗi bệnh nhân sẽ có các triệu chứng bệnh và sử dụng thuốc khác nhau. Do đó người bệnh không tự ý mua thuốc về dùng. Khi đã khám và được bác sĩ kê đơn, bệnh nhân cần uống đúng và đủ liều theo lời khuyên của bác sĩ.
Ngoài ra, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh về uống. Kháng sinh chỉ sử dụng khi bác sĩ xác định có nhiễm khuẩn ruột và chỉ định thuốc.
Việc phối hợp giữa chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập và uống thuốc sẽ mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh.
4. Chế độ ăn và luyện tập điều trị hội chứng ruột kích thích
- Nên tránh ăn các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, xoài, mít...), thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn gỏi. Không ăn thực phẩm để lâu trong tủ lạnh, không uống nước chứa đường và có gas, chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá...
- Nếu có tiêu chảy cần tránh ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau muống, rau cải, dưa muối....
- Buổi sáng sau khi thức dậy, uống ly nước đầy và xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 10 phút để kích thích phản xạ đi cầu mỗi ngày 1 lần.
- Luôn để tinh thần thư giãn, tập thể dục với các bài tập vừa phải...
Nguồn: suckhoedoisong