"Dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát" là thông điệp được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhiều lần nhắc lại sau một tuần giãn cách xã hội. Trong 7 ngày (tính từ 30/5 đến 7/6), số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng 2,6 lần, từ 157 ca lên 422 ca. Dịch bệnh có dấu hiệu chững lại, thể hiện qua xu hướng giảm của số ca nhiễm cộng đồng.
Nhưng đến ngày giãn cách thứ 11, số ca nhiễm tăng dần đều. Tỷ lệ lây nhiễm lúc này lên tới 62,9 ca/triệu dân, vượt xa mốc an toàn là 10 ca nhiễm/triệu dân. Người đứng đầu chính quyền thành phố bày tỏ rõ sự lo ngại khi số F0 chưa rõ nguồn lây tăng vọt. "Điều đó chứng tỏ tình hình trong cộng đồng thời gian vừa qua vẫn chưa kiểm soát được hết", ông Phong thừa nhận.
Ba ngày cuối cùng của đợt giãn cách xã hội đầu tiên, TP.HCM vẫn chưa có phương án tiếp theo mà chờ “đánh giá thêm tình hình”. Ngày giãn cách thứ 13, chuỗi lây nhiễm 22 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bùng phát, đòi hỏi thành phố cần thêm những giải pháp để dập dịch.
Ngày 14/6, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ra quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần. TP.HCM chính thức bước vào đợt giãn cách xã hội dài 29 ngày. Bên cạnh kiểm soát những mầm bệnh đang âm thầm len lỏi, ngành y tế thành phố phải trả lời nhiều câu hỏi lớn về chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Mầm bệnh âm thầm lây lan
Hai tuần trước, TP.HCM kỳ vọng dập được dịch trong nửa tháng. Kỳ vọng đó đã không thành sự thực.
Là người đồng hành cùng TP.HCM ngay từ những ngày đầu tiên bùng dịch, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có mặt trong cả hai buổi họp quan trọng nhất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố kể từ đợt dịch thứ 4, đó là buổi họp ra quyết định giãn cách (ngày 30/5) và tổng kết 15 ngày giãn cách (ngày 14/6).
TP.HCM đang đứng trước một thử thách rất lớn
Bí thư Nguyễn Văn Nên
“Phải nói là mặt nào đó cũng đạt được kết quả, nhưng đạt theo mong muốn là không được bấy nhiêu”, Phó thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận. Ông đặc biệt thể hiện sự lo ngại với những mối lây nhiễm đang “âm thầm lây lan” trong cộng đồng.
Tín hiệu vui là chuỗi lây nhiễm điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng với 470 ca bệnh đã được chặt đứt. Thế nhưng, từ 2/6, thành phố ghi nhận 6 chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, chưa được kiểm soát, tất cả đều phát hiện trong cộng đồng. Đáng lo ngại hơn cả, một trong những cơ sở y tế quan trọng của thành phố là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã ghi nhận tới 55 ca nhiễm (tính tới ngày 14/6).
“Đến nay, vẫn còn rất nhiều điều đáng lo, đáng ngại”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trăn trở.
Mối lo đầu tiên của ông là số người cách ly ngày càng lớn, trong khi, ngoài xã hội vẫn còn chưa biết còn bao nhiêu người mang bệnh. Số F0 tăng nhanh kéo theo hàng loạt mối lo ngại khác. 20 ngày kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, ngành y tế ghi nhận 9.931 F1, tương đương gần 10.000 người phải cách ly tập trung.
Số bệnh nhân nặng tăng dần, trong khi năng lực cấp cứu có hạn. Ngày 12/6, TP.HCM ghi nhận số người nhập viện điều trị cao kỷ lục với 117 bệnh nhân, nâng tổng số người điều trị Covid-19 tại thành phố lên 736 ca.
Ngày càng xuất hiện những ca lây nhiễm bất ngờ. Trong 2 tuần, 30 cơ sở y tế trong TP.HCM đã ghi nhận 48 trường hợp dương tính qua khám sàng lọc. Những ca bệnh này kéo theo hàng loạt chuỗi lây nhiễm chân rết. Ngày giãn cách thứ 15, địa phương cuối cùng của TP.HCM chưa xuất hiện dịch là huyện Cần Giờ cũng có ca nhiễm. Covid-19 xuất hiện ở toàn bộ 22 quận, huyện, TP.
Bí thư Nên nhận định TP.HCM "đang đứng trước một thử thách rất lớn".
Giãn cách 2 tuần, TP.HCM có hết dịch?
Khẳng định “mầm bệnh đang âm thầm len lỏi trong cộng đồng”, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết ngành y tế đã truy vết gần như hết những trường hợp liên quan ổ dịch điểm nhóm truyền giáo, trừ trường hợp không khai báo. Những trường hợp mới phát hiện của chuỗi này đều trong khu cách ly, phong tỏa, không có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng.
Vẫn còn đó những trường hợp âm thầm
Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng
Tuy nhiên, thực tế vừa qua, 30 cơ sở y tế đã tiếp nhận, sàng lọc 48 trường hợp dương tính. Ông Dũng nhận định đây là con số không nhỏ. Hiện, số ca nhiễm được phát hiện qua truy vết liên quan 48 F0 này đã lên tới 303 ca bệnh.
Ngoài 48 ca bệnh đã phát hiện qua sàng lọc, lãnh đạo HCDC đặt câu hỏi liệu còn bao nhiêu trường hợp không đến khám vì không có triệu chứng.
“Vẫn còn đó những trường hợp âm thầm”, ông Dũng đánh giá.
Giám đốc HCDC cho biết thời gian giãn cách xã hội phụ thuộc vào hai điều. Thứ nhất, mầm bệnh trong cộng đồng ở mức độ nào, lây lan và phát tán ra sao trước khi giãn cách. Thứ hai, việc tuân thủ giãn cách có được thực hiện đúng hay không.
“Tôi đảm bảo không nhà chuyên môn nào dám khẳng định giãn cách 2 tuần là thành công”, ông Dũng khẳng định.
Giám đốc HCDC cho rằng việc giãn cách thêm 2 tuần là rất cần thiết bởi nếu không, những trường hợp lây lan âm thầm sẽ có điều kiện tiếp xúc trong xã hội. Thế giới quy định thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 là 14 ngày. Đây là thời gian tối đa để một chu kỳ virus có thể nhân lên và lây từ người này qua người khác.
“Với trường hợp âm thầm, không có triệu chứng, nếu không có tiếp xúc thì qua 14 ngày, cơ hội để nó lây lan là rất thấp”, chuyên gia phân tích.
Ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận “2 tuần không có nghĩa là số ca bệnh giảm”. Tuy nhiên, đây là thời gian vừa đủ để đánh giá.
Bài toán phải giải của ngành y tế
55 ca nhiễm nCoV ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mang đến cho ngành y tế nhiều câu hỏi hóc búa. Tại sao toàn bộ nhân viên bệnh viện đã tiêm vaccine nhưng vẫn có tới 55 ca nhiễm? Nguồn lây nhiễm từ đâu? Các bệnh nhân lây nhiễm cho nhau như thế nào?
Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho rằng ngành y tế chưa có đủ dữ liệu để đưa ra câu trả lời.
Chỉ từ một trường hợp nhân viên có triệu chứng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm tầm soát và phát hiện ra thêm 55 ca nhiễm (hầu hết không có triệu chứng). Điều may mắn là tải lượng virus của các bệnh nhân này đều rất thấp.
Các ca bệnh có điểm chung là đều nằm ở khối hành chính, hậu cần. Khu vực điều trị Covid-19, bệnh nhân nội trú và y bác sĩ hiện đều có kết quả âm tính. Theo dữ liệu ban đầu, ông Dũng phỏng đoán nguồn lây nhiễm xâm nhập từ ngoài vào, tuy nhiên, chưa thể khẳng định.
Theo ông Dũng, qua nghiên cứu tài liệu nước ngoài thì với trường hợp đã tiêm vaccine, khả năng lây nhiễm rất thấp, dù không bảo đảm được 100%. Nếu có, vaccine cũng giúp cho bệnh nhẹ đi, virus trong cơ thể rất ít và không có triệu chứng.
“Nhưng điều đó có chứng minh được đúng ở Việt Nam hay không thì phải chờ”, Giám đốc HCDC nêu quan điểm.
“Chúng tôi đánh giá do tải lượng virus trong nhóm này thấp nên khả năng lây lan ra cộng đồng cho những người khác cũng sẽ thấp”, ông Dũng dự báo tình hình.
Vaccine là yếu tố gây bất lợi cho sự phát triển của virus
Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng
Chuyên gia cho biết ngành y tế đang tiếp tục điều tra, đánh giá dựa trên nhóm ca bệnh này để giải đáp các vấn đề còn bỏ ngỏ.
Ngày 13/6, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch tại TP.HCM. Đoàn công tác của bộ sẽ phối hợp với các chuyên gia của thành phố để đánh giá toàn diện, tìm ra câu trả lời xác đáng cho người dân yên tâm.
Người đứng đầu HCDC khẳng định dù vaccine không đảm bảo miễn dịch 100% và vẫn tồn tại tỷ lệ lây nhiễm. Thế nhưng, vaccine là yếu tố gây bất lợi cho sự phát triển của virus. Vaccine giúp người được tiêm không có diễn biến nặng, tỷ lệ nhiễm trùng giảm còn khoảng 50-60%. Quan trọng hơn, tỷ lệ tử vong với nhóm này được giảm xuống tối đa
Lá chắn vaccine
Ông Dũng cho biết nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt 80% trở lên thì đây sẽ là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh. Vaccine cũng là mục tiêu được lãnh đạo TP.HCM nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp chống dịch hơn 20 ngày qua.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng hôm 30/5, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM có 7,2 triệu người trên 18 tuổi, nhưng hiện chỉ có 1,6 triệu người thuộc diện được Chính phủ hỗ trợ vaccine (theo Nghị quyết số 21). Như vậy, TP còn khoảng 5,6 triệu người phải tiêm vaccine.
TP.HCM đặt mục tiêu 2/3 dân số được tiêm vaccine trong năm 2021
Bí thư Nguyễn Văn Nên
Ông kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố tìm nguồn cung vaccine và cơ chế tài chính để mua.
Không chờ đợi, liên tục 2 tuần kể từ khi báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo TP.HCM đã gặp gỡ nhiều doanh nghiệp để trao đổi về vấn đề mua vaccine.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhiều lần khẳng định thành phố đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm và đàm phán các nhà cung cấp vaccine. "Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP, với tinh thần mang vaccine về càng sớm, càng nhiều càng tốt", ông Nên nhấn mạnh.
Ngày 11/6, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam báo tin vui. Một doanh nghiệp có khả năng phối hợp với đơn vị nhập khẩu để đàm phán mua khoảng 5 triệu liều vaccine cho TP.HCM. Hiện nay, công đoạn cuối cùng là xin Bộ Y tế thẩm định kho lưu trữ của một công ty nước ngoài.
"Họ chỉ cần cho phép thì sẽ ký hợp đồng trực tiếp với hãng bên Mỹ", đại diện Sở Y tế cho biết thêm nếu quá trình phân phối thuận lợi, thành phố sẽ có vaccine trong quý III.
2/3 dân số được tiêm vaccine trong năm 2021. Đó là mục tiêu cao nhất mà TP.HCM đặt ra nhằm kiểm soát đợt dịch đang ngày càng trở nên phức tạp. Vẫn còn những câu hỏi sau khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ghi nhận 55 nhân viên nhiễm nCoV nhưng các chuyên gia cho rằng vaccine là con đường duy nhất để Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đạt được miễn dịch cộng đồng, sớm thoát khỏi đại dịch.
Các chỉ đạo mới của TP.HCM trong 2 tuần tới
Nhân viên ngành y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước của TP.HCM phải ở nhà sau giờ làm việc; hạn chế tiếp xúc, giao lưu.
Trong vòng 2 giờ sau khi xác định F0, ngành y tế phải truy vết được F1, đặc biệt là F1 trong gia đình, có tiếp xúc gần để lấy mẫu, chuyển cách ly tập trung.
Mẫu xét nghiệm của F1 phải có trong vòng 6-10 giờ. Mẫu xét nghiệm F2 phải có trong vòng 24h.