Bà P.T.Y, Nữ, 53 tuổi, trú tại Hà Nội là bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua 22 năm ung thư tuyến giáp di căn phổi nhưng vẫn điều trị thành công.
Tháng 9 năm 1999, bà Y. xuất hiện mệt mỏi, hồi hộp trống ngực, ăn uống kém. Bà Y. đi khám tại BV quân y 103 phát hiện tổn thương phổi 2 bên chưa rõ nguyên nhân, chưa loại trừ lao phổi. Bệnh nhân đau tức ngực, khó thở tăng dần.
Bệnh nhân đã được sinh thiết u phổi lần 1 tại bệnh viện 103, lần 2 tại bệnh viện phổi Trung ương cho kết quả âm tính, đến tháng 12 năm 1999, bệnh nhân được sinh thiết u phổi lần 3 (tại bệnh viện phổi Trung ương): 2 mẫu là tế bào phổi bình thường, 1 mẫu cho kết quả tế bào tuyến giáp.
Đến tháng 1 năm 2000, bệnh nhân được xạ hình tuyến giáp tại bệnh viện 108, phát hiện u thùy phải tuyến giáp và được phẫu thuật cắt thùy phải tuyến giáp, kết quả giải phẫu bệnh sau mổ chưa kết luận có tế bào ung thư. Bệnh nhân còn tức ngực, khó thở từng lúc và được tiếp tục theo dõi.
Sau 13 năm, bệnh nhân khám sức khỏe tại cơ quan, phát hiện nồng độ chất chỉ điểm khối u thyrogolobulin (TG) > 1000 ng/ml, sau đó bệnh nhân được nhập vào bệnh viện quân y 103, được điều trị I-131 lần 1 vào tháng 6 năm 2013, với liều 50 mCi. Sau điều trị bệnh nhân còn đau ngực, khó thở nhẹ.
Ung thư tuyến giáp nguy hiểm không?
Đến tháng 8 năm 2013, tình trạng hô hấp kém hơn, đau ngực và khó thở tăng, hạn chế vận động sinh hoạt hằng ngày, bệnh nhân đi khám tại Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu-bệnh viện Bạch Mai và được sinh thiết u phổi lần 4 tại bệnh viện Bạch Mai, kết quả là: ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú và được chẩn đoán xác định là ung thư tuyến giáp di căn phổi.
Sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ, nạo vét hạch và điều trị bằng I-131 tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – bệnh viện Bạch Mai 7 lần, liều mỗi lần là từ 100 đến150 mCi cách nhau mỗi 6 tháng, tổng liều là 960 mCi, phối hợp với liệu pháp hormon tuyến giáp thay thế và tập phục hồi chức năng hô hấp.
Bệnh ổn định, khó thở giảm dần và sinh hoạt, công tác trở về bình thường. Các tổn thương ở phổi, tuyến giáp không còn trên xạ hình tuyến giáp và toàn thân.
Đến tháng 8 năm 2020, bệnh tiến triển tái phát trở lại, bệnh nhân xuất hiện đau tức ngực trở lại, chụp PET/CT: Hình ảnh các nốt mờ nhu mô phổi trái tăng hấp thu F-18 FDG dạng tổn thương thứ phát. Bệnh nhân phải điều trị iot phóng xạ.Tình trạng bệnh được cải thiện dần, hết khó thở, chức năng hô hấp và sinh hoạt trở lại bình thường.
Một bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp.
Theo GS Mai Trọng Khoa - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân trên xuất hiện tình trạng tổn thương phổi từ năm 1999, được chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa từ năm 2013 và được điều trị theo đúng phác đồ bao gồm: Phẫu thuật cắt khối u chèn ép tủy sống. Cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo vét hạch vùng cổ, điều trị bổ trợ bằng I-131 sau mổ và duy trì bằng liệu pháp hormon thay thế.
Tình trạng hô hấp do tổn thương di căn phổi đã cải thiện nhiều sau điều trị I-131, bệnh nhân không còn đau tức ngực, không còn khó thở, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Đây là một trường hợp hiếm gặp khi bệnh nhân đi khám với các triệu chứng của phổi, đã được sinh thiết tổn thương phổi đến 4 lần, sau đó đã phát hiện ra nguồn gốc di căn đến phổi là từ tuyến giáp, được áp dụng đúng phác đồ điều trị và bệnh duy trì được nhiều năm.
Với các phác đồ điều trị phù hợp, bệnh nhân được 22 năm và cho đến nay bệnh vẫn đang tình trạng bệnh ổn định, chất lượng cột sống được nâng cao, mọi sinh hoạt trở về bình thường.
Theo GS Khoa ung thư tuyến giáp là ung thư phổ biến nhất của hệ nội tiết. Theo Globocan năm 2020, trên thế giới ung thư tuyến giáp đứng thứ 9 về số ca mắc mới trong các bệnh ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh nam/nữ là 1/3.
Bác sĩ Khoa cho biết ung thư tuyến giáp chia làm hai nhóm khác nhau về lâm sàng, điều trị và tiên lượng. Đó là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, tiên lượng tốt, gồm thể nhú, thể nang hoặc hỗn hợp nhú và nang. Thể nhú là thể hay gặp nhất của ung thư tuyến giáp, chiếm 70 – 80%. Vị trí di căn xa hay gặp của ung thư tuyến giáp là xương, phổi, não,…
Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú, phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ kết hợp với điều trị bằng I-131, sau đó điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế. Việc điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau phẫu thuật bằng I-131 đã làm thay đổi rất nhiều tiên lượng của bệnh.
Tỉ lệ sống trên 5 năm lên tới 90-95%, tỉ lệ tái phát cũng giảm đáng kể chỉ còn 6,2 % trong 5 năm đầu.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/song-khoe-sau-22-nam-mac-ung-thu-nhieu-lan-di-can-phoi-403239.html