Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người uống nhiều rượu bia, béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… song cũng xuất hiện cả ở người ăn kiêng, ăn chay.
Gan nhiễm mỡ còn được ví là “sát thủ âm thầm” gây xơ gan, ung thư gan.
Ăn rau, quả, thịt nạc vẫn bị gan nhiễm mỡ
Bác sĩ thăm khám cho một ca mắc gan nhiễm mỡ
Trở lại viện khám định kỳ, ông Nguyễn Trần Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ khi nhận kết quả các chỉ số xét nghiệm gan nhiễm mỡ đều gấp đôi mức bình thường.
Ông Linh cho biết: “Trong lần khám sức khỏe tại cơ quan cách đây 1 năm, bác sĩ cảnh báo tình trạng máu nhiễm mỡ và khuyến cáo tôi hạn chế bia rượu, đồ ăn dầu mỡ.
Chính vì vậy, ngoài dừng bia rượu, tôi thực hiện triệt để việc kiêng mỡ, chủ yếu chỉ ăn rau, hoa quả, cơm, bánh mì và thịt nạc. Nhưng không hiểu sao các chỉ số gan nhiễm mỡ vẫn không hề giảm”.
Mang thắc mắc hỏi bác sĩ, ông Linh “ngã ngửa” khi biết chính cách ăn “kiêng khem tuyệt đối, nói không với mỡ” của ông lại mang tác dụng ngược.
Còn chị Trần Thanh Lan (Hà Nội), trong lần khám sức khỏe định kỳ cuối năm, qua siêu âm, bác sĩ phát hiện chị bị gan nhiễm mỡ độ I.
Quá bất ngờ trước kết quả của mình, chị Lan cho rằng, bản thân có cân nặng bình thường thì không thể bị gan nhiễm mỡ.
Tuy nhiên, sau khi được nghe bác sĩ giải thích, chị mới hiểu được tại sao người gầy như chị vẫn bị.
“Bác sĩ có nói rằng, bệnh gan nhiễm mỡ chủ yếu do rối loạn chuyển hóa tế bào gan gây ra.
Những người bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các vi chất cần thiết sẽ làm hoạt động chuyển hóa mỡ không hiệu quả và gan bị nhiễm mỡ.
Do tôi ăn quá ít dẫn đến lượng đường trong máu quá thấp, làm tăng phân giải mỡ thành năng lượng cung cấp cho cơ thể.
Quá trình này dẫn đến tích lũy các sản phẩm phân giải trong gan, sinh ra gan nhiễm mỡ”, chị Lan cho biết.
BS. Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia lý giải rõ hơn: Câu chuyện ở đây là nhiều người “đổ tại” cho mỡ, nên kiêng tuyệt đối khiến năng lượng không đủ, ăn bù vào thứ khác, chủ yếu là loại đường đơn giản, trong đó có đường Fructose là thủ phạm gây nên gan nhiễm mỡ.
Hoặc nhiều người suy nghĩ ăn thịt nạc là không có mỡ, nên ăn bù nhiều thịt lên, trong đó bản chất là bù axit béo bão hòa và đây cũng chính là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ.
Điều quan trọng là phải lựa chọn thực phẩm, chất béo sao cho phù hợp, chứ không phải cứ nghĩ là gan nhiễm mỡ rồi kiêng khem tuyệt đối, bỏ hết mỡ rồi ăn bù bằng thịt, dù là thịt nạc và các loại quả khác…
Đó sẽ là nguyên nhân làm trầm trọng hơn tình trạng gan nhiễm mỡ.
Sợ mỡ thái quá cũng là nguy cơ
BS. Hưng cho biết, nhiều người sợ mỡ thái quá, nhưng thực chất mỡ có rất nhiều vai trò với sức khỏe.
Đầu tiên, chất béo là nguồn cung cấp năng lượng mà cơ thể chúng ta vẫn cần hàng ngày. Một gram chất béo cho 9 kalo còn 1 gram chất đạm, hay 1 gram chất bột đường chỉ có 4 kalo.
Ngoài ra, chất béo cũng là dung môi hòa tan các vitamin trong dầu (vitamin A, D, E, K).
Chất béo cũng cung cấp dinh dưỡng cho màng tế bào… Vì vậy, bất cứ ai cũng cần đến chất béo nhưng không nên để mỡ thừa, vì sự dư thừa đó lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
BS.TS. Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, gan nhiễm mỡ là bệnh lý thường gặp ở những người uống nhiều rượu bia, béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hoặc mắc hội chứng chuyển hóa…
Tuy nhiên, việc kiêng hoàn toàn đạm, chất béo cũng sẽ khiến cơ thể không nhận đủ protein để duy trì hoạt động, gây rối loạn chức năng gan, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Đặc biệt người theo chế độ ăn chay thường tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carbohydrate như cơm, bánh mì…
Khi ăn quá nhiều các thực phẩm này, cơ thể sẽ chuyển hóa carbohydrate dư thừa thành chất béo, nếu lắng đọng lâu ngày trong gan cũng hình thành gan nhiễm mỡ.
TS. Nguyễn Trường Khanh cho biết, gan nhiễm mỡ là bệnh lý diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng điển hình, dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh lý khác.
Gan nhiễm mỡ nếu được phát hiện sớm, quản lý bệnh hiệu quả, nhất là điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện sẽ không gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng bệnh có thể diễn tiến nguy hiểm dẫn đến viêm gan, xơ gan, suy gan, ung thư gan.
Đáng lo ngại là đa phần người bệnh phát hiện bệnh một cách tình cờ trong một đợt kiểm tra sức khỏe và thường kèm theo rối loạn mỡ máu hoặc rối loạn đường máu.
Phương pháp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ ban đầu thường ưu tiên điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động. Nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp bằng thuốc.
Nguồn: baogiaothong.vn