Sáng 12/4: 6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm mũi 2 vắc xin COVIVAC phòng COVID-19 của Việt Nam

ngày 12/04/2021

Đây là 6 người đầu tiên đã tiêm thử nghiệm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 COVIVAC vào ngày 15/3/2021. COVIVAC là vắc xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng

Sáng 12/4, PGS.TS Phạm Thị Vân Anh- Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong sáng nay, 6 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm lâm sàng mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam mang tên COVIVAC do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển sẽ tiến hành tiêm mũi 2.

"Đây là 6 người đầu tiên đã tiêm thử nghiệm mũi 1 vào ngày 15/3/2021. Theo kế hoạch tiêm thử nghiệm của vắc xin này đối với người tình nguyện, khoảng cách thời gian giữa tiêm mũi 1 và mũi 2 của mỗi tình nguyện viên là 28 ngày"- PGS.TS Phạm Thị Vân Anh nói.

Theo đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vắc xin COVIVAC có 120 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm.

Tính từ ngày tiêm đầu tiên của giai đoạn 1- ngày 15/3 đến nay đã hoàn thành tiêm cho 96 tình nguyện viên với 6 buổi tiêm vắc xin (mỗi buổi 15 tình nguyện viên, riêng buổi đầu tiên 15/3 tiêm 6 tình nguyện viên).

1 trong 6 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm lâm sàng mũi 1 vắc xin COVIVAC ngày 15/3 tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội

PGS.TS Phạm Thị Vân Anh cho hay, đánh giá 24h sau tiêm và 7 ngày sau tiêm ở 66 tình nguyện viên cho thấy không xuất hiện các biến cố bất lợi nghiêm trọng.

“Các phản ứng đều nằm trong dự kiến, đa số là các triệu chứng nhẹ sau tiêm như đau tại vị trí tiêm, đau đầu thoáng qua. Các triệu chứng trên đa số hết trong 24h đầu sau tiêm, không cần điều trị gì. Hiện chưa phát hiện bất thường trên xét nghiệm huyết học và sinh hóa đánh giá an toàn sau tiêm”- PGS.TS Phạm Thị Vân Anh thông tin.

24 tình nguyện viên còn lại, hiện Trung tâm đã hoàn thành việc xếp lịch tiêm. Dự kiến ngày 18/4/2021 kết thúc việc tiêm mũi 1 đối với 120 tình nguyện viên.

“Các nhóm tiêm mũi 2 vào đợt nghỉ lễ 30/04 – 01/05 đã được tư vấn và sắp xếp lịch hợp lý, hỗ trợ tối đa để người tình nguyện có thể tham gia và không mất dấu người tình nguyện giữa chừng”- PGS.TS Phạm Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Đối với vắc xin này, dự kiến hoàn thành báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 vào tháng 7/2021. Sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn 1, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Trong thử nghiệm giai đoạn 1 vắc xin COVIVAC,  Việt Nam luôn tôn trọng tối đa nguyên tắc khoa học, chặt chẽ và an toàn. Cục Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế được giao theo dõi, giám sát, đánh giá toàn bộ quá trình nghiên cứu thử nghiệm, tạo điều kiện tối đa để ngay khi có đánh giá hiệu quả pha 1, sẽ chuyển sang giai đoạn 2.

COVIVAC là vắc xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng sau Nano Covax hiện đã hoàn thành giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vắc xin của công ty Vabiotech thử nghiệm giai đoạn 1.

“Nếu COVIVAC thành công, cùng với Nano Covax và Vabiotech sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin phòng COVID-19 trong nước. Chúng tôi kỳ vọng cuối năm 2021, đầu 2022, Việt Nam sẽ có vắc xin để sử dụng, thậm chí có thể thành công trong xuất khẩu”- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói khi đến dự và động viên 6 người tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin COVIVAC đầu tiên- ngày 15/3

Bộ Y tế cho biết, IVAC đã mua bảo hiểm cho toàn bộ đối tượng tham gia nghiên cứu với tổng giá trị 40 tỷ đồng. Đây là quy định bắt buộc không chỉ tại Việt Nam mà tại tất cả các nước.

Nguồn SKĐS