Phòng ngừa ngộ độc Methanol bằng cách không lạm dụng rượu bia

ngày 10/08/2022

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu làm một số người tử vong và nhiều người nguy kịch. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe...

Trong tuần qua, hàng chục trường hợp ngộ độc rượu được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc với chẩn đoán ngộ độc Methanol. Bác sĩ Hoàng Tiến Nam - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi... tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như Ethanol. Người bệnh ngộ độc Methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng mờ mắt.

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị trường hợp ngộ độc rượu.

Triệu chứng ngộ độc rượu có chứa Methanol bao gồm các vấn đề về thị giác (từ mờ mắt và thay đổi trường thị giác đến mù hoàn toàn). Ngoài ra, còn có biểu hiện khó thở, giãn đồng tử, hạ huyết áp, kích động, lú lẫn, nhức đầu, đi lại khó khăn, đau bụng, tiêu chảy, vàng da, buồn nôn và đôi khi nôn ra máu, chuột rút ở chân và suy nhược. Tình trạng suy giảm thị lực càng kéo dài và chậm trễ trong điều trị thì cơ hội phục hồi càng giảm. Nếu mức độ ý thức giảm hoặc co giật xảy ra và nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể tử vong.

Chia sẻ về tình trạng ngộ độc Methanol, bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết, đa phần những người đã uống rượu, sau khi qua giai đoạn say mới nhận thấy các triệu chứng nghi do ngộ độc Methanol cấp. Nếu thấy có các biểu hiện như trên, cần đưa gấp đến các bệnh viện hay trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và kịp thời điều trị. Những người bị ngộ độc rượu không nên có tâm lý lo sợ đến bệnh viện khám, hoặc chủ quan cho rằng không phải do ngộ độc Methanol nên không đến cơ sở y tế.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề tăng cường kiểm tra, xử lý trong sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ thời điểm hiện tại mà từ trước đến nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, có xử lý tình trạng ngộ độc rượu; tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc… Tuy nhiên, thực tế tình trạng này khó kiểm soát, do không ít cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, lén lút bán rượu không đảm bảo chất lượng.

“Để không bị ngộ độc Methanol, chính là phải nâng cao ý thức của người dân, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác, không lạm dụng việc uống rượu bia”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Nguồn: cand.com.vn