Nhiều người lầm tưởng điều này về thuốc xịt mũi trị dị ứng

ngày 16/11/2022

Một vài cái hắt hơi, một tiếng sụt sịt khiến bạn 'nóng lòng' muốn sử dụng một loại thuốc xịt mũi để giảm nhẹ cảm giác khó chịu này càng sớm càng tốt. Vậy bạn cần lưu ý gì?

Ảnh minh họa.

Mặc dù nghẹt (ngạt mũi) có thể được điều trị bằng thuốc xịt mũi không kê đơn nhưng không phải việc sử dụng thuốc xịt mũi cũng đơn giản.

1. Thuốc xịt mũi là gì?

Thuốc xịt mũi là loại thuốc được sử dụng nhắm tới tình trạng viêm trong đường mũi giúp giảm sưng và thông mũi. Một số loại thuốc xịt mũi bao gồm thuốc xịt mũi steroid và thuốc xịt mũi kháng histamine được ứng dụng trong việc cải thiện các triệu chứng dị ứng và có thể sử dụng lâu dài theo chỉ định bác sĩ.

Có một loại thuốc xịt mũi khác gọi là thuốc xịt thông mũi chỉ nên sử dụng trong vài ngày và thường sử dụng trong trường hợp bạn bị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc cúm.

2. Chọn thuốc xịt mũi như thế nào?

Có hai loại thuốc xịt mũi chính là thuốc xịt steroid và thuốc xịt kháng histamine. Điều quan trọng là bạn cần tìm ra loại thuốc xịt nào phù hợp với tình trạng của mình - bác sĩ đang điều trị cho bạn chính là người hướng dẫn bạn lựa chọn.

Có một số sự khác biệt của hai loại thuốc xịt mũi này, bạn có thể tham khảo như sau:

- Thuốc xịt mũi steroid

Nghẹt mũi xảy ra khi mô mũi của bạn bị sưng và viêm. Thuốc xịt mũi steroid là lựa chọn thuốc không kê đơn (OTC) phổ biến nhắm mục tiêu giảm viêm để giảm sưng và giảm nghẹt mũi. Loại thuốc này thường được sử dụng một lần. ngày nhưng cần một ít thời gian để có thể phát huy tác dụng.

Có hai loại thuốc xịt mũi chính là thuốc xịt steroid và thuốc xịt kháng histamine (Ảnh: Internet)

Chính điều này là lý do nhiều người bị dị ứng theo mùa thường sử dụng trước khi mùa dị ứng bắt đầu 2 - 3 tuần.

- Thuốc xịt mũi kháng histamine

Khi mũi bị kích thích do dị nguyên gây dị ứng, bạn sẽ cảm thấy mũi ngứa ngáy. Nguyên nhân là do histamine khiến các mach máu của bạn dễ thẩm thấu hơn và dẫn tới tình trạng nghẹt mũi.

Thuốc xịt kháng histamine giúp ngăn chặn một số tác dụng của histamine và các nghiên cứu cũng cho thấy rằng loại thuốc này cũng có đặc tính chống viêm. Tùy từng loại mà bạn phải xịt số lần khác nhau trong một ngày để đạt được hiệu quả tối đa.

3. Có thể sử dụng cả thuốc viên và thuốc xịt cùng nhau không?

Điều này tùy thuộc vào loại thuốc viên, loại thuốc xịt mũi và tình trạng dị ứng của bạn. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng. Tuy nhiên có một số lưu ý sau:

- Thuốc viên kháng histamine

Về mặt lý thuyết thì cả thuốc viên kháng histamine và thuốc xịt kháng histamine có thể sử dụng cùng nhau vì thuốc dạng xịt có tác dụng tại chỗ và ít có tác dụng toàn thân. Nhưng lợi ích khi sử dụng cả hai cùng nhau thì hầu hết các nghiên cứu đều chỉ cho thấy tác dụng tối thiểu.

- Không kết hợp nhiều loại thuốc xịt mũi cùng nhau

Trừ khi bác sĩ chủ trị của bạn hướng dẫn cụ thể cho bạn, nếu không bạn chỉ nên kiên trì sử dụng từng loại thuốc xịt mũi một. Nếu thuốc xịt kháng histamine không có hiệu quả với bạn, bạn nên đợi đến ngày hôm sau và đổi sang thuốc xịt mũi steroid hoặc ngược lại.

4. Cách sử dụng thuốc xịt mũi

Thuốc xịt mũi là thuốc - và cũng giống như bất kì loại thuốc nào, nếu dùng sai cách, bạn sẽ không nhận được đầy đủ lợi ích mà chúng mang lại. Với thuốc xịt mũi, nguyên tắc hàng đầu chính là sử dụng đúng cách.

Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa dị ứng Mark Aronica cho biết, cách sử dụng thuốc xịt mũi cần theo các trình tự sau:

- Bước 1: Xì mũi nhẹ nhàng để làm thông mũi và "dọn đường" cho thuốc trước khi bạn sử dụng

- Bước 2: Đọc hướng dẫn sử dụng trên chai xịt, xem liệu rằng bạn có phải lắc kĩ chai xịt hay cần phun ra một lượng nhỏ "mồi" cho ống xịt trước không

- Bước 3: Đặt ống xịt dưới lỗ mũi, sao cho vòi xịt hướng về phía sau mũi để thuốc được đi vào xoang đúng nhất. Đặc biệt, bạn nên tránh xịt trực tiếp ở giữa lỗ mũi hay vách ngăn mũi bởi lực xịt có thể khiến mô mũi bị tổn thương dẫn tới kích ứng hay thậm chí là chảy máu mũi

- Bước 4: Sau đó nhẹ nhàng ấn chai xịt trong khi miệng ngậm lại, hít nhẹ nhàng để đảm bảo thuốc xịt vẫn ở trong mũi bạn. Thường thì, việc xịt từ đầu bơm đã đủ lực để giúp thuốc vào mũi và xoang nhưng bạn có thể hỗ trợ thêm bằng cách hít nhẹ nhàng để thuốc xịt không trôi xuống cổ họng.

5. Thuốc xịt mũi có gây tác dụng phụ không?

Thuốc xịt mũi thường được coi là an toàn cho việc sử dụng và nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ là khá thấp. Nhưng nếu bạn lạm dụng chúng, thuốc có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như:

- Mũi bị khô hoặc có cảm giác châm chích

- Nhức đầu

- Buồn nôn

- Đau nhức xoang

- Viêm họng

- Nôn mửa.

Thuốc xịt mũi thường được coi là an toàn cho việc sử dụng và nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ là khá thấp (Ảnh: Internet)

Với thuốc xịt thông mũi, như đã nói ở trên, bạn không nên sử dụng quá 4 ngày vì chúng có thể tạo ra phản xạ thói quen cho triệu chứng dị ứng khá với tính chất của thuốc xịt mũi steroid và thuốc xịt mũi kháng histamine. Tuy nhiên, Tiến sĩ Aronica khuyên rằng bạn nên dùng liều hiệu quả tối thiểu bằng cách nếu bạn đang sử dụng thuốc xịt mũi và có hiệu quả, hãy thử giảm liều lượng xuống dần dần và tìm ra liều thấp nhất nhưng vẫn giúp bạn kiểm soát triệu chứng dị ứng tốt.

6. Câu hỏi thường gặp

6.1. Trẻ em có dùng thuốc xịt mũi được không?

Có một số loại thuốc xịt mũi được bài chế dành riêng cho trẻ em, mặc dù các loại thuốc xịt khác nhau sẽ có giới hạn độ tuổi tối thiểu khác nhau nhưng thường là từ 2 đến 4 tuổi. Như các loại thuốc khác, cha mẹ cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho trẻ.

6.2. Phụ nữ mang thai có dùng thuốc xịt mũi được không?

Trên thực tế có rất nhiều loại thuốc mà bạn không nên dùng hoặc nên giảm liều khi đang mang thai. Thuốc xịt mũi có thể được chỉ định trong trường hợp mẹ bầu bị dị ứng, tuy nhiên cần sử dụng theo hướng dẫn và có sự theo dõi từ bác sĩ.

Phụ nữ mang thai có dùng thuốc xịt mũi được không? (Ảnh: Internet)

6.3. Thuốc xịt mũi có thể thay thế nước muối không?

Câu trả lời là không. Đừng nhầm lẫn giữa việc xịt thuốc mũi và nước muối rửa mũi. Rửa mũi bằng nước muối giúp loại bỏ các chất gây kích ứng mũi ra khỏi niêm mạc mũi - đây được coi là một phương pháp điều trị phi y tế.

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc xịt mũi, tốt nhất bạn không nên dùng chung chai/lọ xịt để tránh lây lan vi khuẩn. Đồng thời hạn chế thấp nhất việc xì mũi sau khi xịt để thuốc được giữ trong mũi và xoang càng nhiều càng tốt.

Việc sử dụng thuốc xịt mũi không kê đơn trong điều trị giảm nhẹ các triệu chứng dị ứng tại mũi cần thận trọng và không lạm dụng, tránh gây các tác động xấu tới sức khỏe. Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có tư vấn phù hợp. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho chỉ dẫn của thầy thuốc.

Nguồn: Health