Nắng nóng, chị em tìm mua các loại viên uống để thay thế kem bôi, song như lạc vào "ma trận" vì loạn giá, công dụng bị thổi phồng.
Linh, 28 tuổi, ở Đống Đa, được người bán tư vấn loại viên uống kem chống nắng, cam kết "chống lại tia UV, tránh sạm da, xỉn màu, dưỡng trắng". Người này cho biết thuốc được xách tay từ nước ngoài nên đảm bảo nguồn gốc chính hãng. Sản phẩm được chiết xuất từ quả lựu và trà xanh, tác dụng chống lão hóa, hạn chế tia UV đến 98%. Viên uống còn chứa canxi, beta-carotene, vitamin, đảm bảo "chỉ cần uống viên chống nắng là đủ hiệu quả, không cần các phương pháp hỗ trợ khác". Một lọ gồm 60 viên, uống một viên trước khi ra ngoài 30 phút, giá một triệu đồng mỗi lọ.
Linh nói đây là hãng thuốc nổi tiếng thế giới, nhân viên bán hàng được người quen giới thiệu nên cô tin tưởng đặt mua một lọ. Sau hai tuần uống, Linh phát hiện da nổi đám nâu nhỏ xung quanh mắt và gò má, da cũng sạm màu, tối hơn. Ban đầu, cô nghĩ do nắng khiến da xỉn màu nên tăng cường bổ sung rau xanh và dưỡng ẩm nhưng tình trạng không cải thiện. Người phụ nữ ngưng dùng viên uống và đi khám, được chẩn đoán viêm sắc tố da, nám nhẹ do không chống nắng cẩn thận.
Cũng tìm mua viên chống nắng theo lời khuyên của đồng nghiệp, chị Xuân bỏ 1,4 triệu đồng mua sản phẩm nguồn gốc Tây Ban Nha. Trên bao bì, lọ thuốc ghi công dụng "giúp cải thiện khả năng phòng vệ của da, chống oxy hóa, sạm nám, tàn nhanh, làm sáng tổng thể da". Tuy nhiên, sau hai tuần sử dụng, chị thấy làn da không có nhiều thay đổi, thậm chí khô, sần và nổi mụn, nên ngưng sử dụng.
Theo khảo sát của VnExpress, viên uống chống nắng chủ yếu rao qua mạng hoặc người bán xách tay từ nước ngoài về. Trên nhiều sàn thương mại điện tử, các sản phẩm được bán tràn lan với nhiều mức giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Hầu hết không thể kiểm định được nguồn gốc nhưng đa số cửa hàng đều hiển thị có lượt mua lớn, khoảng vài nghìn đến chục nghìn người.
Các sản phẩm đều được cam kết công dụng, như có thể thay thế kem chống nắng, tăng cường miễn dịch, tăng sinh collagen, giúp da khỏe mạnh, giảm nám, lão hóa, mụn. Thuốc chủ yếu dành cho nữ, từ 25 tuổi trở lên nhưng bất kỳ ai cũng có thể đặt mua.
Bác sĩ Trần Hạnh Vy, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết viên uống chống nắng chứa nhiều thành phần bảo vệ da như vitamin A, B2, D, C, E, giúp chống nắng và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh. Hay Polypodium leucotomos - một chiết xuất của cây dương xỉ có thể làm giảm độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời ở những người bị phát ban ngứa khi da tiếp xúc với ánh nắng. Nhiều nghiên cứu cho thấy chiết xuất dương xỉ làm tăng thời gian chịu đựng chống bỏng của da khi tiếp xúc với tia cực tím (UV).
"Tuy nhiên, không có một loại thực phẩm chức năng nào hay viên thuốc chống nắng nào có thể thay thế kem chống nắng", bác sĩ nói.
Theo bà Vy, các loại vitamin này chỉ phát huy tác dụng khi được uống trong hai đến ba tháng. Tinh chất trà xanh, chanh, cây dương xỉ, hạt nho có thể chống hình thành gốc tự do, giảm tổn thương, giảm tạo tăng sinh tế bào, hạn chế ung thư, song "chưa có nghiên cứu chứng minh chất này được dùng với liều lượng và thời gian bao lâu để phát huy được tác dụng kể trên". Ngoài ra, viên chống nắng không có tác dụng tức thì, cần duy trì trong thời gian dài, để tạo "hàng rào" chống tác hại của các yếu tố từ môi trường, đặc biệt là chống tia UV.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng khẳng định viên uống chống nắng không thể cản tia UV đi vào cơ thể, đồng thời phủ nhận khả năng thay thế kem chống nắng của viên uống.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết các sản phẩm viên uống chống nắng không có tác dụng thần kỳ như quảng cáo. Nhiều chị em lầm tưởng chỉ cần uống một viên, không cần thoa kem vẫn có thể chống nắng cả ngày, dẫn đến sạm da, xỉn màu và nám. Ngoài ra, quảng cáo trị nám của viên chống nắng cũng chưa được kiểm chứng.
"Điều trị nám da khá khó khăn, bởi khả năng tái phát là rất cao, nên cần theo dõi liên tục chứ không lệ thuộc vào thuốc uống", bác sĩ nói.
Mặt khác, các thành phần như lycopene, beta-carotene, vitamin E, vitamin C trong viên chống nắng có tác dụng chống lại tác dụng có hại của tia UV nhưng không nhiều, chỉ tương đương kem bôi chống nắng với SPF 15. Một số sản phẩm khác có thể chứa glutathion, vitamin C, nhưng tác dụng làm trắng da là chiêu trò tâm lý, không có hiệu quả lâu dài, bà Thảo nhận định.
Theo các bác sĩ, viên uống chống nắng không phải thuốc điều trị, chỉ là thực phẩm chức năng nên không gây hại sức khỏe, ai cũng có thể uống để hỗ trợ bảo vệ da. Viên uống có tác dụng hỗ trợ cơ thể chống nắng và một phần chống lão hóa từ bên trong song phải đi kèm với nhiều biện pháp bảo vệ khác. Người mua cũng cần lựa chọn hãng thuốc uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, ghi rõ thành phần. Không nên đặt trọn niềm tin vào quảng cáo và phó thác làn da của mình cho các sản phẩm.
Để bảo vệ da, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên sử dụng kem chống nắng bôi ngoài da kết hợp viên uống, đặc biệt với người dễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và tăng sắc tố da. Lưu ý chọn kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp. Nếu sử dụng kem chống nắng hàng ngày, nên chọn sản phẩm có độ SPF từ 30 trở lên. Đi tắm biển nên chọn loại kem có chỉ số chống nắng từ 50 trở lên. Không nên chọn kem có hàm lượng chống nắng quá cao. Thời điểm bôi kem tốt nhất là trước khi đi ra ngoài khoảng 15-20 phút và bôi lại sau hai giờ sử dụng.
Lưu ý, viên uống chống nắng cũng cần phải được duy trì hàng ngày. Ví dụ những ngày ở trong nhà, không tiếp xúc ánh nắng cũng cần uống để chăm sóc da tốt hơn. Khi ra ngoài, bạn cần có biện pháp chăm sóc và bảo vệ da như đội mũ, đeo kính, găng tay, áo khoác. Hạn chế ở ngoài trời từ 10h đến 16h.
Thường xuyên dùng xịt khoáng cho dịu da và giảm bớt mồ hôi, bã nhờn trên mặt. Ban đêm, bạn nên dưỡng và làm sạch mặt bằng sữa rửa mặt phù hợp. Sử dụng các sản phẩm có AHA, BHA, retinol để làm sạch lỗ chân lông, giảm tình trạng tạo mụn, sinh mụn cho da. Duy trì thói quen sinh hoạt ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ kết hợp vận động và hạn chế các chất kích thích để có làn da khỏe mạnh.
Nguồn: VnExpress