Không thể nằm mà phải ngủ ngồi thường xuyên, hội chứng mũi rỗng kỳ lạ ít người ngờ đến

ngày 10/01/2022

Ngạt mũi thường xuyên, chị H. đi khám khắp nơi, thậm chí đi khám tiêu hóa vì nghi ngờ do trào ngược dạ dày lên mũi nhưng ngủ ngồi vẫn… diễn ra.

PGS.TS.BS chuyên khoa tai- mũi- họng Phạm Thị Bích Đào, BV ĐH Y Hà Nội cho biết từng gặp và điều trị cho những bệnh nhân lúc nào cũng ngạt - ngạt và ngạt mũi thường xuyên.

Điểm chung của những bệnh nhân này là đêm không thể ngủ được vì ngột ngạt với cảm giác khó thở, tức ngực. Mũi có vảy thường xuyên, mùi hôi.

Ảnh minh họa

Trong đó, hay gặp ở những trường hợp mổ nội soi mũi xoang, cắt cuốn mũi nhưng tình trạng ngạt lại xuất hiện sau mổ 6-12 tháng thậm chí nhiều trường hợp vừa mổ xong nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Chị H. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là ví dụ, bệnh nhân bị ngạt mũi triền miên. Đặc biệt là những khi môi trường thay đổi đột ngột (bụi, khói, thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh) thì gần như chị phải ngủ ngồi. Mọi loại thuốc hỗ trợ tắc mũi lúc trước gần như không có tác dụng. Chị H. đã đi khám khắp nơi từ chuyên khoa tai mũi họng đến hô hấp thậm chí tiêu hóa vì có người cho rằng nguyên nhân của bệnh là do… trào ngược dạ dày lên mũi nhưng vẫn không chữa triệt để bệnh.

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào cho biết, chị H. mắc hội chứng trống rỗng mũi. Đây là tình trạng bệnh nhân luôn có cảm giác ngạt mũi mặc dù khoang mũi rất thông thoáng.

Hội chứng mũi rỗng là một loại rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng đến mũi và hốc mũi. Căn bệnh thường gặp ở một số người mà đã được phẫu thuật cắt cuốn mũi dưới hoặc viêm mũi teo (trĩ mũi).

Nguyên nhân của tình trạng này, theo PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào, là do bình thường mũi có hệ thống niêm mạc có lông chuyển và có các tuyến chế tiết, nên trên bề mặt niêm mạc mũi bao giờ cũng có lớp thảm nhầy để vận chuyển chất tiết từ trước ra sau. Song hành với nó là hệ thống các Vale mũi nằm trên vách ngăn và cuốn dưới. Các Vale này làm nhiệm vụ phân luồng không khí để đẩy không khí qua mũi vào phổi.

Sau phẫu thuật mũi đặc biệt là cắt cuốn mũi dưới hoặc trĩ mũi: hệ thống chất nhầy và lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô niêm mạc mũi bị giảm hoặc mất hoàn toàn.

“Hệ thống các Vale mũi cũng bị tổn thương và chức năng bị mất. Chính điều này dẫn đến hiện tượng, mặc dù luồng không khí vào được không mũi nhưng không được đẩy xuống họng để đi vào đường hô hấp dưới và vì vậy người bệnh luôn cảm thấy ngột ngạt , thiếu không khí”, PGS. TS. BS Phạm Bích Đào nhấn mạnh.

Đây thực sự là một thách thức đối với các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và các nhà nghiên cứu sinh lý bệnh. Đã có một số phương pháp để hỗ trợ loại bệnh lý này tuy nhiên đến nay vẫn thực sự chưa hoàn thiện và hiệu quả đem lại cũng còn hạn chế.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, điều trị hội chứng mũi rỗng nhằm làm giảm các triệu chứng tạm thời. Các phương pháp điều trị tại chỗ như nước muối hoặc thuốc xịt nước muối có thể giữ ẩm cho mũi, nhưng chúng có thể loại bỏ chất nhầy và peptide có lợi trong khoang mũi.

Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị tại nhà cực hiệu quả bao gồm: Mở máy tạo độ ẩm khi đi ngủ; Ở trong môi trường ấm áp và ẩm ướt; Uống súp nóng và nước

Ngoài ra người mắc hội chứng trống rỗng mũi có thể sử dụng thuốc xịt mũi kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn có hại; thoa kem nội tiết tố bên trong mũi để tăng kích thước mô turbinate.

Cuối cùng người bệnh có thể cấy ghép mô hoặc dùng vật liệu khác để tăng kích thước của cuốn mũi còn lại trong mũi.

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/khong-the-nam-ma-phai-ngu-ngoi-thuong-xuyen-hoi-chung-mui-rong-ky-la-it-nguoi-ngo-den-402445.html