Không muốn nhân sâm thành 'thuốc độc', thì đừng ăn theo cách này

ngày 24/08/2019

Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, các sản phẩm nhân sâm khá phổ biến trên thị trường Việt Nam. Với tâm lý nhân sâm là loại thuốc bổ quý, không ít gia đình sẵn có nhân sâm thường tự mang ra dùng. Ít ai biết được dùng nhân sâm cần phải dùng theo chỉ định bác sĩ nếu không có thể nguy hiểm cho sức khỏe.

Ths. Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho hay nhân sâm có tác dụng tăng cường sức khỏe, bổ khí rất tốt cho những trường hợp khí bị hư nhưng cần phải sử dụng đúng cách. Nếu sử dụng nhân sâm sai cách có thể gây ra ngộ độc và tử vong.

Khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi mang nhân sâm ra dùng sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt người dùng đang bị tỳ vị hư hàn (đau bụng, tiêu chảy hoặc ăn uống kém khó tiêu). Bời vì, nhân sâm có tính lạnh nếu dùng cho trường hợp này có thể gây tử vong.

"Cần lưu ý nhân sâm là thuốc bổ nhưng chỉ bổ khí mà không bổ huyết. Vì vậy việc dùng nhân sâm để nâng cao thể trạng sức khỏe cần phải kết hợp với các vị thuốc bổ huyết như thục địa. Hoặc có thể phối hợp với nhiều vị thuốc bổ khác", Lương y Vũ Quốc Trung nói.

Theo lời kể của một số bác sĩ tại các BV ở Hà Nội, từng có một số trường hợp vào BV cấp cứu trong tình trạng khá nguy kịch do dùng nhân sâm không đúng cách. Điển hình là trường hợp anh V.M (36 tuổi, ở Hòa Bình) bị xơ gan kèm chảy máu đường ruột vào BV Bạch Mai điều trị. Sau khi ra viện 2 tuần, người vẫn yếu, nghĩ sâm có thể giúp người phục hồi sức khỏe nhanh, anh đã uống liền một lúc 30 gram sâm. Sau 2 ngày, bệnh trở nên nguy cấp, bệnh nhân tiếp tục chảy máu đường ruột, đưa vào BV tỉnh cấp cứu nhưng do mất máu khá nhiều nên lại chuyển về BV Bạch Mai. Mặc dù được truyền máu, nhưng BN vẫn không qua khỏi do tình trạng chảy máu không cầm.

Khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi mang nhân sâm ra dùng sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt người dùng đang bị tỳ vị hư hàn (đau bụng, tiêu chảy hoặc ăn uống kém khó tiêu). Bời vì, nhân sâm có tính lạnh nếu dùng cho trường hợp này có thể gây tử vong. Ảnh minh họa: Internet

Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng sâm

Các sản phẩm thuốc bổ có sâm đều khuyến cáo trước khi dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Tuy nhiên, người dân sử dụng sâm rất tùy tiện. Cứ thấy người mệt mỏi, sau ốm dậy… là mua sâm về uống mà không biết rằng, những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Có rất nhiều lưu ý khi sử dụng nhân sâm như không được dùng đồ kim loại để nấu nhân sâm, hay không được uống trà sau khi dùng nhân sâm vì trà sẽ làm giảm tác dụng của nhân sâm.

Cần lưu ý, sau khi uống sâm, không nên ăn củ cải và đồ biển. Tất cả các loại củ cải (đỏ, trắng, xanh...) và hải sản đều là cấm kỵ sau khi bạn uống nhân sâm.

Theo y học cổ truyền, củ cải và đồ biển đại hạ khí, còn nhân sâm đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng.

Theo nhiều ghi chép thì khi cơ thể người nhận quá 100g nhân sâm thì sẽ có hưng phấn. Nếu dùng quá 200g thì sẽ xuất hiện các hiện tượng trúng độc như toàn thân nổi ban, ngứa ngáy, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, nhiệt độ cơ thể tăng, xuất huyết…

Theo y học cổ truyền, củ cải và đồ biển đại hạ khí, còn nhân sâm đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng. Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra nếu dùng nhân sâm trong thời gian dài thì sẽ bị bí tiểu, từ đó dẫn đến phù nước. Nếu người đang mang thai sử dụng nhiều nhân sâm thì sẽ xuất hiện các hiện tượng như nôn mửa, phù nước, huyết áp tăng… thậm chí xuất huyết âm đạo và có thể dẫn đến sảy thai.

Lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nhân sâm giả hoặc vì lợi ích kinh tế bị thổi phồng công dụng. Thực tế công dụng chính của sâm chỉ là bổ khí. Tốt cho các trường hợp thiếu máu, suy nhược cơ thể, kiệt sức, mắc bệnh lâu ngày khí tổn thương, hay quên, hồi hộp, phụ nữ băng huyết…

Để tránh mua phải sâm giả cần lưu ý tới hình dáng và màu sắc, sâm phải có hình người, màu như mật ong hoặc hổ phách, cứng. Sâm có mùi thơm và ngọt khi nhai. Khi thấy nhân sâm có màu sắc và mùi khắc thường thì tuyệt đối không nên mua dùng.


Nguồn: Báo Tiền Phong