Không có ca nhiễm mới COVID -19 ở Việt Nam sáng ngày 17/4

ngày 17/04/2020

Ảnh: Mạnh Thắng

Tiểu ban điều trị cho biết, dự kiến hôm nay (17/4) sẽ có 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Cùng với đó với những bệnh nhân nặng đã có dấu hiệu tích cực. Cụ thể:

Bệnh nhân 19 có đáp ứng tốt, gọi hỏi giao tiếp được, nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt, không liệt khu trú, không có phù trên lâm sàng, bệnh nhân không sốt trong ngày 16/4.

Bệnh nhân 161 thở máy qua nội khí quản, thông khí 2 bên rõ, tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu, huyết áp 110/60mmHg, gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, liệt nửa người trái, bệnh nhân còn sốt cơn dao động trong ngày. Bilan viêm trong ngày có xu hướng giảm nhẹ, men gan xu hướng giảm.

Bệnh nhân 91 là phi công người Anh, không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu (theo dõi hội chứng HIT) tạm ổn, XQ phổi không tổn thương xấu thêm.

Ngày 16/4 khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân 268 là một cô gái 16 tuổi ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, sau khi có bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19, tỉnh đã ở trạng thái nhóm nguy cơ lây nhiễm tương đối cao. Trước đó, ngày 15/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, tỉnh này được xếp vào nhóm các tỉnh có nguy cơ lây nhiễm bệnh thấp.

Trong cuộc họp báo trực tuyến mới đây về hợp tác giữa Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) với khu vực Đông Nam Á, TS John MacArthur, Giám đốc văn phòng CDC Mỹ tại Thái Lan đánh giá cao cách Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ông cho biết, các cộng sự ở Hà Nội nhận định hệ thống y tế công cộng của Việt Nam rất mạnh. Chính phủ rất nghiêm túc trong phòng chống dịch, Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống ứng phó với dịch bệnh ở mức cao nhất. Đó là lý do vì sao Việt Nam đang có những thành công trong phòng chống đại dịch.

Theo ông, có một số yếu tố giúp ích cho nỗ lực chống dịch của Việt Nam như dựa vào bằng chứng khi quyết định chính sách, và trước đó Việt Nam đã có khoảng 15 năm tạo nguồn lực cần thiết cho việc truy vết tiếp xúc, cũng như năng lực phòng thí nghiệm đủ mạnh để kiềm chế dịch bệnh.


Nguồn: Báo Tiền Phong