Khống chế dịch, kiểm soát chặt nguồn lây

ngày 11/08/2020

Bộ Y tế chiều 10-8 cho biết trong ngày, Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc mới Covid-19 gồm: 1 ở Quảng Nam, 4 ở Đà Nẵng và 1 ca nhập cảnh tại TP HCM. Trong số này có 2 bệnh nhân là nhân viên y tế ở Đà Nẵng. Đây là ngày có số ca mắc thấp nhất trong 2 tuần qua.

Gộp mẫu xét nghiệm

Trong ngày, Bộ Y tế công bố thêm 3 ca mắc Covid-19 tử vong, nâng số bệnh nhân tử vong lên 14 người. Ba ca tử vong mới đều có nhiều bệnh nền, trong đó có suy thận mạn giai đoạn cuối.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, F0 mất dấu, nguy cơ dịch lây lan rộng, nguồn lực xét nghiệm còn hạn chế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh trình lãnh đạo Bộ Y tế phương pháp xét nghiệm gộp mẫu Covid-19.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị - phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (pool) là lấy một phần của mỗi trong các mẫu để đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm, phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng lại lần 2 nếu xét nghiệm mẫu gộp dương tính. Việc gộp mẫu giúp tiết kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh, đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm khối lượng lớn các ca bệnh nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc F1 và những người nguy cơ để hạn chế lây lan trong cộng đồng và hạn chế tử vong.

Hiện Bộ Y tế đã cho phép thực hiện phương pháp gộp mẫu xét nghiệm RT-PCR để phát hiện SARS-CoV-2. Đây được coi là đề xuất đột phá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh trong bối cảnh việc xét nghiệm đang phải tiếp tục mở rộng đối với các đối tượng nguy cơ. Ông Khuê cho biết một ví dụ điển hình là tại Israel đã áp dụng phương pháp này, khi xét nghiệm 184 mẫu bệnh phẩm, gộp 8 mẫu trong 1 lần làm xét nghiệm để so sánh với 184 lần làm riêng lẻ, kết quả cho thấy không có sự khác biệt. Qua thực tế xét nghiệm 26.576 mẫu bệnh phẩm, Israel đã phát hiện 31 bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng. Mỹ, Singapore và Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng đã áp dụng việc gộp mẫu để xét nghiệm.

Đưa các tài xế xe tải khai báo gian dối hành trình từ Quảng Nam đến Huế vào khu cách ly Ảnh: QUANG NHẬT

Đà Nẵng phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn, lẻ

Trong buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng vào sáng 10-8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết địa phương đang gấp rút làm sạch các bệnh viện, lập bệnh viện dã chiến, chuyển bệnh nhân Covid-19 về Hòa Vang, tăng cường mua sắm máy móc thiết bị... Trong khâu truy vết phải bao quát diện rộng, trong vài giờ phải có kết quả xét nghiệm để xác định F1 nhằm tránh lây cộng đồng. Hiện Đà Nẵng đang lo lắng trong cộng đồng vẫn còn người nhiễm.

Ông Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo Sở Công Thương tính toán để người dân chỉ đi chợ 2-3 lần/tuần. "TP mới nghĩ ra phương pháp đi chợ chẵn - lẻ, phát phiếu để hạn chế đi chợ và sẽ thực hiện dần từ bây giờ" - ông Thơ nói. Những điều nói trên là nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền với cộng đồng người dân để hạn chế tụ tập. Những ngày tiếp theo, nếu diễn biến phức tạp hơn thì có thể sẽ phải sử dụng các biện pháp mạnh hơn trong cách ly xã hội.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị thống nhất áp dụng giãn cách xã hội khu vực TP Đông Hà 15 ngày. Người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung nhiều người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...

Cũng trong ngày 10-8, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) tiến hành dỡ bỏ phong tỏa đối với Khoa Ung bướu sau 14 ngày thực hiện cách ly vì liên quan đến bệnh nhân 669 là bác sĩ L.Đ.N, trưởng khoa tại đây.

Chiều 10-8, đoàn công tác gồm 40 bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên đường vào Đà Nẵng chi viện cho thành phố này phòng chống dịch Covid-19. Bác sĩ Phan Văn Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm trưởng đoàn.

Bảo vệ sức khỏe người dân là tối thượng

Ngày 10-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, nhận định hiện TP đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh linh hoạt, để vừa phòng chống nhưng vẫn phát triển được kinh tế hiệu quả. Các quận huyện, sở ngành phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác phòng chống Covid-19. Tuyệt đối không lơ là, không để tình trạng "trên quyết liệt, dưới thờ ơ". Các địa phương phải đưa nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân là mục tiêu tối thượng.


Nguồn: Báo Người Lao Động