Ảnh minh họa: Thompsontee
Đổ mồ hôi vào ban đêm cũng có nguy cơ liên quan đến một số loại bệnh nghiêm trọng, trong đó có ung thư, bác sĩ đa khoa Chun Tang, làm việc ở Pall Mall Medical (Anh) cho biết.
Hiện tượng này cũng có khả năng là tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư.
Chuyên gia tim mạch Mehmet Ozcũng cho hay một loạt bệnh ung thư có triệu chứng đổ mồ hôi ban đêm gồm bệnh bạch cầu, ung thư hạch, khối u carcinoid, ung thư gan, ung thư xương và ung thư trung biểu mô.
Theo bác sĩ Oz, đổ mồ hôi ban đêm liên quan đến ung thư có xu hướng kéo dài, chảy nhiều, thậm chí phải thay quần áo.
“Chúng ta có thể thỉnh thoảng bị đổ mồ hôi ban đêm do chuyển mùa hoặc thức dậy sau một giấc mơ tồi tệ, mãn kinh. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên cẩn trọng", ông Oz nói.
Một vài lý do khác gây đổ mồ hôi là phụ nữ đang mang thai, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, lượng đường trong máu thấp, cường giáp, căng thẳng, lo lắng và một số loại thuốc.
Các bác sĩ lấy ví dụvề ung thư hạch bạch huyết thường dẫn đến sốt do các tế bào ung thư sản sinh ra các chất khiến thân nhiệt tăng lên. Bệnh bạch cầu cũng gây ra hiện tượng tương tự. Ung thư bạch cầu hạn chế số lượng tế bào miễn dịch mà cơ thể sản xuất. Do đó, bạn nhiều khả năng bị nhiễm bệnh.
Bác sĩ Tang giải thích: “Khi cơ thể chống chọi với sự nhiễm trùng, thân nhiệt sẽ tăng lên. Kết quả của phản ứng tự nhiên này là các cơn sốt và đổ mồ hôi ban đêm xảy ra”.
Đối với ung thư gan, các khối u gan lớn có thể sử dụng hết lượng đường trong máu, gây tụt đường huyết. Khi đó, cơ thể sẽ sản xuất adrenaline dư thừa, dẫn đến đổ mồ hôi. Ngoài ra, các khối u carcinoid có thể tiết ra serotonin, khiến cho việc đổ mồ hôi và đỏ bừng dễ xảy ra hơn, , David Beatty - bác sĩ đa khoa với hơn 30 năm kinh nghiệm thông tin.
Bệnh nhân ung thư thường có các triệu chứng khác đi kèm với đổ mồ hôi đêm.
Theo bác sĩ Tang, các triệu chứng ung thư đi kèm với đổ mồ hôi khi ngủ gồm giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, bầm tím nhiều và sốt.