Dịch cúm hoành hành tại trường học, công sở

ngày 21/10/2022

Do dịch cúm, nhiều cơ quan vắng bóng nhân viên; còn tại các trường học, giáo viên liên tiếp nhận được thông tin học sinh nghỉ ốm.

Ảnh minh họa

Số lượng người mắc cúm A tăng mạnh

Mấy ngày gần đây, trên diễn đàn của cư dân Xuân Mai (Hà Đông, Hà Nội), phụ huynh liên tục chia sẻ thông tin các con phải nghỉ học do ho, sốt cao. Theo phản ánh của một số giáo viên Trường tiểu học Lê Quý Đôn - nơi con em cư dân Xuân Mai theo học, thời gian này, hầu như không lớp nào đủ sĩ số, vì nhiều học sinh bị ốm.

Trong khi đó, không khí lao động tại nhiều công sở cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nhân viên liên tiếp xin nghỉ ốm. Bà Lê Hương Giang, CEO Công ty Azuma House cho biết, nhân viên thay nhau nghỉ ốm do bị cúm khiến kế hoạch kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng, tiến độ công việc bị chậm.

Các bác sĩ cho biết, gần đây, số lượng người mắc cúm A tăng nhanh hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch. Đã có một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân mắc cúm A mà bệnh viện tiếp nhận, có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm. Mỗi năm có từ 5 - 10% người lớn và 15 - 42% trẻ em trên toàn cầu mắc cúm, trong đó có khoảng 250.000 - 500.000 người tử vong.

Tiêm phòng có thể giảm tỷ lệ tử vong do cúm tới 70 - 80%,
tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, vì virus cúm có khả năng thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, người dân nên tiêm nhắc lại vắc-xin mỗi năm 1 lần nhằm tăng cường đề kháng, phòng ngừa kịp thời chủng virus cúm đang lưu hành.

PGS-TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) thông tin, thời điểm này đang bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, đã ghi nhận nhiều người đồng nhiễm 2 - 3 bệnh truyền nhiễm một lúc, như cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là Adenovirus.

Chuyên gia cũng cho hay, virus cúm có 3 loại, gồm cúm A, cúm B và cúm C. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải khi mắc cúm là sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi. Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, chúng ta có thể gặp triệu chứng của viêm phổi. “Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh, nhưng với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh thường trực quanh năm”, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lưu ý.

Bác sĩ kiệt sức, bệnh nhân mệt mỏi

Ca mắc bệnh hô hấp tăng vọt, các bác sĩ của Bệnh viện Thanh Nhàn phải điều trị gấp đôi số bệnh nhân so với thời gian trước. Có những thời điểm, các bác sĩ tại đây phải cấp cứu cho 20 trẻ mắc sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi do Adenovirus, RSV (virus hợp bào hô hấp).

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, gần đây, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 1.600 - 1.800 trẻ đến khám và điều trị, Khoa Hồi sức tích cực Nhi của Bệnh viện luôn kín giường. Trước đây, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện khám cho 1.000 - 1.200 trẻ. Gần đây, số bệnh nhân tăng vọt, Bệnh viện phải bố trí thêm nhân lực và các bàn khám vào khung giờ cao điểm. Một bác sĩ thăm khám trung bình cho 60 trẻ mỗi ngày, tăng gần gấp đôi so với trước kia.

Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, hiện số bệnh nhi đã gấp 1,5 lần so với số giường, nên Bệnh viện phải kê thêm chỗ nằm để chăm sóc trẻ hiệu quả.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu - đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó, dịch cúm là phổ biến nhất.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị thêm giường bệnh và thuốc điều trị.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp thường biểu hiện bằng triệu chứng sốt, do đó, khi trẻ sốt cao, gia đình nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Phụ huynh hạn chế sử dụng nhiều thuốc hạ sốt, như Ibuprofen, do thuốc này có thể làm lu mờ triệu chứng, khiến bác sĩ khó chẩn đoán đúng bệnh. “Nếu con sốt quá cao, nhưng chưa kịp đến cơ sở y tế khám bệnh, gia đình nên sử dụng thuốc chứa paracetamol để hạ sốt tạm thời, tránh bị co giật”, bác sĩ Hoàng Văn Kết hướng dẫn.

Tỷ lệ người dân mắc cúm dự báo có chiều hướng tăng vào những tháng cuối năm. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, người dân cần chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh môi trường để đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt, nếu thấy những biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, co giật, sốt li bì không hạ…, cần đến các cơ sở y tế khám để phát hiện sớm bệnh, có biện pháp xử trí kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Cũng theo chuyên gia, cúm mùa tuy là bệnh không quá nguy hiểm, nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với nhóm người có nguy cơ cao, trong một số trường hợp có thể tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm cúm và các biến chứng nghiêm trọng. Hằng năm, WHO đưa ra khuyến nghị về thành phần vắc-xin cần nhắm vào các chủng tiêu biểu nhất đang lưu hành.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec cho hay, vắc-xin cúm mùa tam giá (3 chủng) đang phổ biến bao gồm 2 chủng cúm A và một chủng cúm B. Tuy nhiên, các chủng được khuyến nghị có thể không phản ánh hết những chủng lưu hành hiện tại. Vậy nên, có thể nói, vắc-xin cúm mùa 3 chủng hiện nay không phải là tối ưu nhất để bảo vệ mọi người chống lại bệnh cúm mùa. Việc bổ sung chủng virus cúm B thứ 2 vào các vắc-xin cúm mùa tam giá hiện tại sẽ giúp giải quyết các vấn đề không phù hợp trên.

Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin cúm mùa đang được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng, song các chuyên gia nhận định, vắc-xin cúm mùa tứ giá (4 chủng) GCFLU Quadrivalent (2 chủng A và 2 chủng B) là dòng vắc-xin có thể giúp phòng 4 chủng cúm mùa mới nhất theo khuyến cáo của WHO hàng năm.

Nguồn: baodautu.vn