Hiện nay dịch đau mắt đỏ đang gia tăng. Tại TP. Hồ Chí Minh tính từ đầu năm 2023 đến 31/8, ghi nhận 63.309 ca mắc, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Hà Nội, số ca bệnh cũng tăng mạnh...
TS. BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ hay viêm kết mạc cấp là bệnh lý theo mùa, ảnh hưởng đến mọi người, ở mọi lứa tuổi, có xu hướng lây lan dễ dàng giữa những người làm việc hoặc sống cùng nhau.
Có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ như virus, vi khuẩn, dị ứng, chất gây kích ứng mắt (khói thuốc, hóa chất…), nhưng loại thường gây thành dịch là do virus.
Tại TP.Hồ Chí Minh mới đây đã xác định Enterovirus và Adenovirus là hai tác nhân chủ yếu gây đau mắt đỏ do virus. Trong đó, Enterovirus chiếm tỷ lệ lớn hơn (86%), Adenovirus chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (14%) trong các mẫu được xét nghiệm.
Một số loại thuốc như nước mắt nhân tạo và thuốc kháng histamine, có thể được sử dụng để giảm triệu chứng và có thể mua không cần kê đơn. Những loại khác, như thuốc kháng sinh hoặc steroid, là thuốc kê đơn và có thể được sử dụng cho những trường hợp đau mắt đỏ nghiêm trọng hơn.
Tùy theo nguyên nhân gây đau mắt đỏ và các triệu chứng cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định loại thuốc nào là tốt nhất cho người bệnh.
1. Một số thuốc có thể dùng trị đau mắt đỏ
1.1 Nước mắt nhân tạo
Để giảm bớt tình trạng khô mắt liên quan đến đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn và dị ứng hoặc do kích ứng hóa học, có thể dùng nước mắt nhân tạo. Đây là thuốc không kê đơn giúp bôi trơn mắt. Nước mắt nhân tạo còn giúp loại bỏ các chất gây dị ứng gây viêm kết mạc. Nên nhỏ thuốc vào cả hai mắt, hai đến bốn lần một ngày. Hoặc bác sĩ cũng có thể kê đơn dùng sản phẩm với nồng độ và liều lượng phù hợp với triệu chứng của người bệnh.
Lưu ý, trường hợp đau mắt đỏ ở một bên mắt, không nên dùng lọ thuốc nhỏ vào mắt bệnh, rồi lại nhỏ sang mắt lành (tránh nguy cơ lây nhiễm).
1.2 Thuốc kháng sinh
Đối với đau mắt đỏ do vi khuẩn, có thể dùng kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ mắt. Liều lượng tùy thuộc vào tình trạng và loại kháng sinh mà bác sĩ kê đơn và thường dùng 3-4 lần/ngày, trong 5-7 ngày.
Người bệnh thường có thể trở lại làm việc hoặc tiếp tục các hoạt động bình thường sau khi vết đỏ biến mất, khi người bệnh không còn khả năng lây nhiễm nữa.
Thuốc kháng sinh thường được dung nạp tốt, nhưng đôi khi chúng có thể gây kích ứng mắt, gây ngứa hoặc đỏ thêm.
Không nên tự ý mua thuốc kháng sinh về nhỏ mắt.
1.3 Thuốc kháng histamine
Nhóm thuốc này có lợi cho bệnh viêm kết mạc dị ứng. Dùng tại chỗ hai lần một ngày hoặc uống một lần mỗi ngày bằng đường uống.
Thuốc kháng histamine ngăn chặn hoạt động của histamine, một chất hóa học được tạo ra khi cơ thể phát hiện ra chất gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa, bụi, nấm mốc hoặc lông thú cưng. Điều này giúp ngăn ngừa viêm, ngứa và khó chịu.
Thuốc kháng histamine thường được dung nạp tốt nhưng có thể góp phần gây khô mắt (là do tác dụng phụ của thuốc).
1.4 Thuốc chống viêm không steroid
Thuốc chống viêm không steroid, còn được gọi là NSAID, làm giảm viêm và đỏ, cũng như ngứa. Các thuốc này có sẵn dưới dạng thuốc nhỏ mắt và có thể nhỏ nhiều lần trong ngày.
1.5 Corticosteroid tại chỗ
Đối với viêm kết mạc nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid tại chỗ như một phương pháp điều trị ngắn hạn. Corticosteroid có thể làm giảm viêm ở mắt. Mặc dù chúng có hiệu quả nhưng có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm mờ mắt, tăng áp lực trong mắt và đục thủy tinh thể.
Do đó, chỉ nên sử dụng những loại thuốc này khi có chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
1.6 Chất ổn định tế bào mast
Loại thuốc này có sẵn dưới dạng thuốc nhỏ mắt, nhắm đến bệnh viêm kết mạc dị ứng bằng cách ngăn cơ thể giải phóng histamine khi có phản ứng dị ứng. Chất ổn định tế bào mast được thiết kế để sử dụng phòng ngừa hơn là giảm đau ngay lập tức và có thể mất đến hai tuần để bắt đầu có tác dụng.
Chúng có thể có hiệu quả ở những người bị viêm kết mạc dị ứng theo mùa hoặc những người bị dị ứng với kính áp tròng.
2. Điều trị tại nhà cho bệnh đau mắt đỏ
Bất kể nguyên nhân gây đau mắt đỏ là gì, người bệnh nên áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà để giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa tái phát. Những phương pháp điều trị này có thể được khuyến nghị riêng lẻ hoặc kết hợp với thuốc.
2.1 Chườm nóng hoặc lạnh
Để giảm bớt sự khó chịu liên quan đến đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng, người bệnh có thể áp dụng phương pháp chườm ấm hoặc lạnh bằng cách lấy khăn tay nhúng vào nước ấm, vắt sơ hoặc dùng khăn bọc đá lạnh… rồi đắp lên mí mắt (lưu ý nhắm mắt lại rồi đắp), 3-4 lần/ngày.
Chườm ấm giúp giảm sự tích tụ chất dính trên mí mắt hoặc trên lông mi, trong khi chườm lạnh giúp giảm ngứa và viêm. Đối với người bệnh bị viêm kết mạc dị ứng, điều quan trọng là tránh dụi mắt vì điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Trong trường hợp chỉ bị viêm kết mạc ở một mắt, hãy tránh chạm vào cả hai mắt bằng cùng một miếng vải (khăn) để giảm nguy cơ lây bệnh từ mắt này sang mắt kia.
2.2 Tránh đeo kính áp tròng
Đối với người bệnh đau mắt đỏ nên tháo kính áp tròng và đeo kính thay thế trong 10 đến 12 ngày hoặc cho đến khi tình trạng này biến mất.
Đối với một số người, trang điểm mắt có thể là nguồn gây ô nhiễm và tái nhiễm trùng, vì vậy không nên trang điểm khi mắt đang đau.
2.3 Rửa mắt
Khi bạn tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng một chất hóa học gọi là histamine, gây đỏ, chảy nước mắt và ngứa ở mắt. Đối với viêm kết mạc do chất kích thích nhẹ, như dầu gội hoặc xịt nước hoa, đôi khi rửa mắt bằng nước lạnh hoặc nước ấm trong ít nhất 5 phút có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.
2.4 Tránh các tác nhân gây kích hoạt
Nếu bạn biết nguyên nhân gây ra triệu chứng viêm kết mạc, hãy tránh chúng nếu có thể. Ví dụ, đối với người dễ bị viêm kết mạc dị ứng, hãy hạn chế thời gian ra ngoài khi lượng phấn hoa hoặc cỏ phấn hương cao hoặc dùng thuốc dị ứng có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng này.
Đóng cửa sổ và cửa ra vào trong những mùa có lượng phấn hoa cao có thể ngăn chặn các chất gây dị ứng xâm nhập vào nhà và cố gắng không để bụi bám vào nhà và xử lý nấm mốc cẩn thận.
TS.BS Hoàng Cương khuyến cáo, những trường hợp sau 7 ngày vẫn còn bệnh, chói mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều… đều bị coi là bất thường nên đi khám.
TS.BS Hoàng Cương cho biết, thực tế không phải ai bị bệnh cũng cần đi khám mắt. Rất nhiều người bệnh chỉ thoáng qua, chưa kịp dùng thuốc đã khỏi. Khi vệ sinh tốt, kiêng cữ, nhỏ nước muối có thể coi là điều trị bước đầu… cũng đã cho kết quả tốt.
Không nên vắt sữa vào mắt, nhỏ nước chanh cho trẻ nhỏ. Bệnh không đỡ và rất dễ trở thành bội nhiễm, viêm mủ của lòng đen (giác mạc), viêm mủ nội nhãn. Việc xông mắt bằng nước nóng kết hợp lá có tinh dầu (trầu không, bạc hà) rất dễ gây nhiều biến chứng như bỏng mắt, viêm tấy lan rộng… Ngày xưa các cụ có câu "nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng" là do vậy, đang viêm đỏ không thể dùng đồ nóng để trị bệnh.
Những trường hợp sau 7 ngày vẫn còn bệnh, chói mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều… đều bị coi là bất thường nên đi khám để được dùng thuốc thích hợp. Đối với trẻ em có kèm ho sốt, quấy khóc, khó mở mắt, viêm hô hấp, chảy máu mắt, có giả mạc… cần chăm sóc chuyên khoa sâu bằng bóc giả mạc, dùng thuốc mỡ tra mắt, điều trị toàn thân cùng bác sĩ nhi khoa, TS. BS Hoàng Cương khuyến cáo.
3. Cách ngăn ngừa đau mắt đỏ
TS. BS Hoàng Cương cho biết, để ngăn ngừa đau mắt đỏ, vệ sinh là rất quan trọng. Viêm kết mạc thường lây lan khi chạm vào bề mặt bị ô nhiễm rồi chạm vào mắt. Rửa tay thường xuyên có thể giúp bạn tránh bị nhiễm hoặc lây lan.
Nếu bạn bị viêm kết mạc, điều quan trọng là tránh chạm vào hoặc dụi mắt để không lây lan từ mắt này sang mắt kia. Để ngăn ngừa bệnh viêm kết mạc lây sang người khác, không dùng chung các vật dụng như khăn tắm, vỏ gối, mỹ phẩm dành cho mắt hoặc những thứ có thể chạm vào vùng quanh mắt như điện thoại, kính đọc sách hoặc ống nhòm...
Sau khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh viêm kết mạc, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tháo kính áp tròng và đeo kính cho đến khi tình trạng bệnh thuyên giảm. Đeo kính áp tròng khi bị nhiễm trùng mắt có thể làm hỏng giác mạc.
Những thực hành này cũng giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
Nguồn: suckhoedoisong