1. Điều trị từ xa - Tư vấn y tế tại nhà
Do độc lực và khả năng dễ lây truyền của virus Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trực tiếp là bắt buộc để ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này gây không ít khó khăn cho các bệnh nhân bị bệnh thông thường hay mắc những bệnh cần sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ. Nhiều người băn khoăn có nên mạo hiểm tới bệnh viện để khám chữa bệnh hay không khi có nguy cơ cao mắc Covid-19, ngoài ra, nhiều bệnh viện đã trở nên quá tải và chỉ tiếp nhận những trường hợp khẩn cấp.
Đối với những vấn đề này, điều trị từ xa là một lựa chọn tối ưu, và trên thực tế đã rất phổ biến trong đại dịch. Chỉ cần ngồi ở nhà, bệnh nhân có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ về các triệu chứng hoặc được bác sĩ theo dõi từ xa đối với các bệnh đang điều trị. Điều này giúp bệnh nhân không cần phải tới bệnh viện trong những trường hợp không thực sự cần thiết, các bác sĩ và nhân viên y tế dành thời gian tập trung vào các trường hợp khẩn cấp cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Trên thực tế, việc sử dụng các ứng dụng khám bệnh từ xa của Amwell đã tăng 158% tại Mỹ kể từ tháng 1-2020 và các cuộc hẹn khám bệnh qua ứng dựng PlushCare tăng 70%. Trước khi xảy ra đại dịch, số bệnh nhân Mỹ sử dụng dịch vụ khám bệnh từ xa chỉ là 1/10. Khi dịch bệnh xảy ra, trong các dịch vụ khám bệnh từ xa như “Doctor on Demand” hay HeyDoctor đã thêm các đánh giá về nguy cơ nhiễm Covid-19 miễn phí cho các bệnh nhân khám dịch vụ từ xa. Cùng với đó, các ứng dụng như PlushCare và Everlywell cũng phát các bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 đến tận nhà cho người dân. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy các ưu điểm của các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa và ngày càng được người dân sử dụng nhiều hơn, thậm chí cả sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
2. Theo dõi bằng điện thoại thông minh
Vì Covid-19 mới lây nhiễm theo cấp số nhân, các phương pháp truy tìm thông thường xác định những người nhiễm virus để hạn chế nguy cơ lây truyền là không đủ. Đó là lý do tại sao các chính phủ trên thế giới đã áp dụng công nghệ vào mục đích này. Bằng cách theo dõi người dùng qua điện thoại thông minh, cơ quan chức năng có thể xác định được vị trí của mỗi người và đưa ra cảnh báo cho những người có thể đã ở gần người nhiễm Covid-19.
Trên thế giới, nhiều quốc gia sử dụng các phương pháp giám sát này. Tại Singapore, quốc gia này đã chọn ứng dụng sử dụng từ Bluetooth và tín hiệu không đây để theo dõi những người dùng ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc quản lý ổ dịch thành công tại Hàn Quốc cũng một phần nhờ vào việc theo dõi qua điện thoại, bên cạnh các camera tại nơi công cộng. Tại Nga, Thủ đô Maxcơva đã ra mắt một hệ thống dựa trên QR để theo dõi căn bệnh này. Thậm chí, ngay cả những gã khổng lồ công nghệ Apple và Google trong hợp tác cũng bao gồm cả việc truy tìm nguồn gốc trong các hệ điều hành của mình.
3. Trí tuệ nhân tạo - Trợ lý thông minh chống lại Covid-19
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang lại kỷ nguyên thực sự của nghệ thuật y học. Trong đại dịch Covid-19, tầm quan trọng của công nghệ AI được nhấn mạnh thêm, giúp các nhà dịch tễ học đưa ra cảnh báo đầu tiên về loại virus mới này. Bệnh viện Trung Nam ở Trung Quốc đang sử dụng một hệ thống dựa trên AI để sàng lọc bệnh nhân CT phổi giúp các bác sĩ phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 để xét nghiệm thêm.
Công ty BarabasiLab đã kết hợp giữa máy móc và khoa học mạng để tìm ra những ứng dụng loại thuốc mới chống lại loại virus chết người này. Và trong vòng chưa đến 10 ngày nỗ lực, nhóm nghiên cứu đã đưa một danh sách các loại thuốc để thử nghiệm. Nhiều công ty khác cũng đang tìm cách sử dụng AI để quản lý tốt hơn các nguồn lực của bệnh viện trong đại dịch. AI được xem như một trợ lý để tăng cường kỹ năng cho các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho con người.
4. Thực tế ảo - Từ đào tạo đến điều trị cho các “bác sĩ tiền tuyến”
Thực tế ảo (VR) có thể nghe giống như một công nghệ ưa thích giúp bạn trong trò chơi Half-Life mới nhất, tuy nhiên, công nghệ này có các ứng dụng hữu ích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trên thực tế, theo một nghiên cứu của Harvard
Business Review, các bác sĩ phẫu thuật được đào tạo bằng công nghệ VR tăng 230% hiệu suất phẫu thuật tổng thể so với những người được đào tạo bằng các phương pháp truyền thống. VR cũng giúp sinh viên y khoa với các mô phỏng khác nhau để hiểu rõ hơn về bệnh nhân. Công nghệ này cũng giúp giải quyết tốt hơn các vấn đề mà bệnh nhân Covid-19 đang phải đối mặt như sự cô lập hoặc sự kỳ thị.
Một trong những hậu quả đáng tiếc mà chúng ta sẽ chứng kiến sau đại dịch là áp lực tâm lý chưa từng có mà các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu phải hứng chịu. Áp lực bệnh nhân, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt sẽ dẫn tới những triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Tuy nhiên, rất may, thực tế ảo y khoa được xem là một lựa chọn điều trị hữu hiệu trong những trường hợp này. Thông qua liệu pháp tiếp xúc trong thế giới ảo, VR có thể thể giúp giảm bớt các triệu chứng PTSD này.
5. In 3D - Đổi mới để đáp ứng nhu cầu
Khi các nhân viên y tế gặp áp lực khủng khiếp với số lượng công việc lớn chưa từng có bởi số lượng bệnh nhân tăng đột biến do đại dịch, các tổ chức chăm sóc sức khỏe trên thế giới phải đối mặt với sự thiếu hụt về các thiết bị y tế đáng lo ngại. Thiếu các thiết bị bảo vệ sức khỏe cá nhân (PPE) và thậm chí cả khẩu trang phòng dịch khiến các nhân viên y tế và các bệnh nhân đối mặt với nguy hiểm. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn”, để đáp ứng kịp thời nhu cầu về vật tư y tế, các nhà sản xuất đã kết hợp với công nghệ máy in 3D để tăng năng suất và hiệu quả. Công nghệ máy in 3D được ứng dụng để sản xuất các bộ phận thiết bị y tế phức tạp như bộ phận của máy thở đến chế tạo tấm chắn che mặt…
Có trụ sở tại Tây Ban Nha, Coronavirus Maker - nhà sản xuất thiết bị để phục vụ cuộc chiến chống lại Covid-19 đã sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất khẩu trang và thậm chí cả máy thở dành cho các bệnh nhân có triệu chứng không quá trầm trọng. Công ty khởi nghiệp TheFabLab ở Italia sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất mặt nạ kết hợp phòng độc với mặt nạ lọc oxy cho các bệnh viện do chuỗi cung ứng bị thiếu hụt trong đại dịch. Công ty Formlabs dùng công nghệ in 3D để sản xuất các loại gạc mũi họng - thiết bị dùng để thu thập mẫu bệnh xét nghiệm virus Covid-19. Công ty in 3D là Materialise đã cho ra mắt các mẫu in giúp các cơ sở có máy in 3D sản xuất các thiết bị tiện ích giúp người sử dụng không phải dùng tay mở cửa nhằm giảm nguy cơ lây truyền virus từ các bề mặt.