Chuyện về cụ ông 30 năm chữa bệnh, cứu người

ngày 25/05/2020

Lương y Phạm Thọ Tầng bốc thuốc, chữa bệnh cho người nghèo

Nhớ lời Bác dặn trong thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế đầu Xuân 1955: “… Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”, cụ luôn coi đó là vinh dự và đã chữa bệnh cứu người bằng cả cái tâm trong sáng.
Hành trình 30 năm không mệt mỏi
Đến phường Xuân Khanh, hỏi “Tiên ông” Phạm Thọ Tầng, không ai là không biết. “Chắc bị đau dạ dày hoặc đau xương đúng không? Đến cụ thì cứ yên tâm là sẽ khỏi. Đã vậy, cụ còn không lấy tiền của người nghèo nên bệnh nhân quý lắm”, chị Phạm Ngọc Huệ, một người dân địa phương hồ hởi kể.
Khám bệnh, bốc thuốc, tư vấn qua điện thoại từ sáng sớm tới tối mịt là công việc hằng ngày của cụ. 5 giờ sáng, cụ Tầng đã dậy đi ra kho bốc thuốc. Chỉ 2 năm nữa là tròn 100 tuổi nhưng đôi tay của người thầy thuốc ấy vẫn thoăn thoắt, trí tuệ vẫn minh mẫn lạ kỳ. Phòng khám của “Tiên ông” nằm sát bên trục đường chính chạy qua phường Xuân Khanh. Trước cửa, cụ treo tấm biển “Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo”. Suốt hơn ba thập kỷ qua, số người tìm đến phòng khám và được cụ Tầng chữa khỏi không thể nào đếm xuể. Chia sẻ về hành trình cứu người, vị lương y 98 tuổi cho hay, trước đây, cụ từng là Viện trưởng Viện Điều dưỡng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quãng thời gian công tác trong ngành y, cụ luôn kiên định con đường chữa bệnh cứu người không phải để làm giàu mà là để giúp đời. “Người ta mở phòng bệnh để kinh doanh, còn tôi cốt là giúp cho người nghèo, trẻ em, người khuyết tật. Chỉ cần họ mang giấy chứng nhận hộ nghèo đến thì tôi sẵn sàng không lấy một đồng tiền khám, tiền thuốc. Ai ở xa quá thì tôi giúp họ trả tiền đi lại, mời họ vài bữa cơm”, cụ Tầng cho biết.
Chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân, nhưng nhớ nhất là trường hợp thương tâm của em Huỳnh Văn Tưởng (An Giang). Ở tuổi 14, lẽ ra phải được đến trường, vui chơi với bạn bè thì em lại phải chịu đau đớn bởi bệnh tật giày vò. Ban đầu chỉ là những cơn đau bụng bình thường nhưng vì nhà không có điều kiện chữa trị, bệnh của em ngày một nặng. May sao biết được thông tin cụ Tầng chữa bệnh miễn phí, em đã mạnh dạn viết tâm thư xin cụ giúp đỡ. Từng dòng chữ ngây thơ, trong sáng của em đã tác động mạnh đến tâm trí cụ. Sau nhiều đêm thức trắng, cuối cùng cụ cũng tìm được phác đồ điều trị cho Tưởng. Gần 1 năm trời, tháng nào cụ cũng đều đặn gửi thuốc từ Bắc vào Nam. Giờ đây hoàn toàn khỏi bệnh, em Tưởng đã đi học trở lại. Bức thư cảm ơn của em vẫn được cụ Tầng cất giữ cẩn thận.
“Tiên ông” giàu lòng nhân ái
Không chạy theo danh lợi, cũng chẳng màng tiền bạc, toàn bộ số tiền lương hưu 4 triệu đồng mỗi tháng cụ đã tích góp lại và xây dãy nhà trọ miễn phí với hơn chục căn phòng khang trang. Cụ tự hào: “Các con các cháu và cả những người biết được công việc ý nghĩa tôi làm đã gửi tiền hỗ trợ nên các chi phí cũng nhẹ đi đôi phần. Nhiều người sợ tôi quá sức vì nhà trọ là nơi “tứ xứ” đổ về, rất phức tạp. Nhưng đã thương thì thương cho trót, có chỗ ăn ở thì họ mới yên tâm điều trị”.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Luận (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) xúc động kể: “Tôi bị đau nhức xương từ nhiều năm nay. Bệnh ngày một nặng, kinh tế gia đình khó khăn đủ đường. Biết được cụ Tầng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, tôi bèn tìm đến cậy nhờ. Thật phúc đức là cụ đã cho ở lại và cho thuốc miễn phí. Chữa được hơn 2 tháng, tôi gần như đã khỏi bệnh hoàn toàn. Cụ nói chỉ vài ngày nữa là tôi có thể về đi làm”.
Không chỉ chữa bệnh cho người nghèo, cụ Tầng còn đi đầu trong công tác từ thiện, đóng góp cho Hội Khuyến học ở địa phương. Lập quỹ từ những năm 1990, khi con cái chưa trưởng thành, gia đình còn nhiều khó khăn nhưng cụ vẫn quyết tâm chắt chiu, gom góp trợ cấp cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt không để các em vì khó, vì khổ mà phải nghỉ học.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Tầng vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện. Nhiều người nói, thôi cụ từng này tuổi rồi, nghỉ ngơi mà vui bên con cháu nhưng cụ không chịu. Khi được hỏi về bí quyết để có được sức khỏe dẻo dai, cụ Tầng cười lớn: “Cứ noi theo Bác Hồ ở tấm lòng nhân ái. Làm việc thiện sẽ nhận lại được niềm vui mỗi ngày. Tâm hồn vui thì sức khỏe ắt tự đến”.


Nguồn: Báo Văn Hóa