Dù tại Đồng Nai dịch sốt xuất huyết (SXH) chưa bùng phát nhưng từ đầu tháng 5-2022 đến nay, số ca mắc bệnh này liên tiếp tăng cao tại nhiều tỉnh, thành lân cận, trong đó có TP.HCM gây lo lắng cho nhiều người dân.
BS CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh tật, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: K.Liễu
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại địa phương, các lưu ý về cách phòng bệnh tại nhà, BS CKI PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nguy cơ dịch SXH bùng phát tại Đồng Nai là rất cao, vì vậy người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh.
* Thưa ông, bệnh SXH tại Đồng Nai đang diễn biến ra sao, liệu có bùng dịch như các tỉnh, thành lân cận?
- Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc SXH, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Trong đó, Bình Dương 2 ca, Đồng Nai 2 ca, các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh mỗi nơi 1 ca.
Tại Đồng Nai mục tiêu hoạt động của chương trình phòng, chống SXH năm 2022 đặt ra là giảm so với năm 2021 khoảng 10%. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh SXH đang có dấu hiệu bùng phát tại các tỉnh phía Nam trong thời gian gần đây. Theo ghi nhận cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.916 ca SXH (so với cùng thời điểm năm 2021 có hơn 2.032 ca SXH, giảm 5,71%).
Khả năng SXH bùng dịch tại Đồng Nai là vì đặc thù địa phương có nhiều khu dân cư nằm xen lẫn khu nhà máy, các thửa đất bỏ hoang nhiều. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi - nguyên nhân truyền bệnh SXH phát triển… Ngoài ra, sự chủ quan của người dân trong việc phòng, chống bệnh SXH vẫn còn cao. Trong khi đây là bệnh lưu hành địa phương, bất kể địa phương nào xuất hiện nguồn bệnh. Khi tác nhân gây bệnh phát triển thì khả năng bệnh SXH bùng phát rất dễ xảy ra.
* Ngành Y tế đang triển khai các biện pháp gì để chủ động trong việc phòng chống, không để dịch SXH bùng phát, thưa ông?
- SXH đến nay vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vaccine phòng bệnh. Do vậy, công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh luôn được các đơn vị chức năng quan tâm chủ động triển khai. Trong tháng 5-2022, trung tâm sẽ triển khai hoạt động diệt lăng quăng tại các địa phương trên toàn tỉnh.
Song song đó, sẽ đồng loạt tổ chức lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 12; Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và triển khai chiến dịch diệt lăng quăng năm 2022.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet, các buổi truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề… để người dân nắm rõ về nguyên nhân, các biểu hiện của bệnh và cách nhận biết bệnh SXH. Từ đó mọi người thấy được trách nhiệm của mình, chủ động thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng tại gia đình để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Ngoài ra, đơn vị chức năng sẽ tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng; phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao, trọng điểm bệnh SXH; kết hợp điều tra, đánh giá nguy cơ, xác định các điểm nóng về dịch bệnh trên địa bàn để có những chỉ đạo cụ thể và xử lý kịp thời.
Lực lượng chức năng tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại xã Phú Bình (H.Tân Phú). Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
* Theo ông, người dân cần lưu ý gì trong phòng ngừa bệnh SXH?
- Bệnh SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm gây nên. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi.
Do thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt như những ngày qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh SXH. Từ một con muỗi cái sau 25 ngày có thể làm phát sinh ra 2.250 con muỗi cái thế hệ tiếp theo.
Để phòng bệnh, mỗi người dân cần hành động ngay để bảo vệ cho chính mình và người thân bằng cách diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa lăng quăng (bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,…) để muỗi không vào đẻ trứng. Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng. Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, hũ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ … Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Các dấu hiệu nhận biết khi mắc bệnh SXH
Dấu hiệu biểu hiện đầu tiên ở người nghi mắc bệnh SXH là người bệnh bị sốt trên 2 ngày và rất khó hạ nhiệt độ, bị đau nhiều ở hai hốc mắt. Ngoài 2 dấu hiệu cơ bản trên, thì các dấu hiệu cần lưu ý là tại khu vực mình sinh sống có nhiều người mắc SXH, có tình trạng gia tăng số lượng muỗi đột biến.
Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202205/chu-dong-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-3116339/