Trẻ em ngày nay có xu hướng dậy thì sớm. Dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố góp phần gây dậy thì sớm ở trẻ.
Tuổi dậy thì bình thường và khỏe mạnh với chế độ dinh dưỡng tốt và không dư thừa calo thường sẽ ở khoảng từ 9-14 tuổi ở bé trai và 8-13 tuổi ở bé gái. Nhưng thực tế, ngày càng có nhiều bé gái bắt đầu phát triển trước 8 tuổi, độ tuổi trung bình có kinh nguyệt lần đầu là dưới 10 tuổi. Thông thường, dậy thì sớm ở bé gái chiếm tỷ lệ cao hơn so với các bé trai.
1. Mối quan hệ giữa chế độ ăn và dậy thì sớm ở trẻ
Dậy thì sớm là dấu hiệu của lão hóa sớm. Dậy thì sớm không phải do một yếu tố duy nhất gây ra. Hệ thống thần kinh và nội tiết tố kiểm soát sự khởi đầu của tuổi dậy thì rất phức tạp nhưng nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố môi trường và lối sống có thể góp phần dẫn đến dậy thì sớm.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là chế độ ăn uống có nhiều thay đổi làm ảnh hưởng đến nội tiết tố của trẻ. Vì vậy, để giúp trẻ tránh được hiện tượng dậy thì sớm, cần đảm bảo cho trẻ có chế độ dinh dưỡng lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ và duy trì lâu dài.
Nghiên cứu đã cho thấy, dậy thì sớm ở cả bé gái và bé trai là do chế độ ăn tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có nguồn gốc động vật, nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn. Chế độ ăn nhiều thịt, thực phẩm đã qua chế biến... có liên quan đến chứng đau bụng kinh sớm hơn trong khi ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ làm chậm quá trình phát dục.
Hoạt động của hormone tăng sớm hơn và nhiều hơn sẽ dẫn đến dậy thì sớm hơn. Trẻ em có chế độ ăn ít chất dinh dưỡng (dựa trên phân tích các chất dinh dưỡng đa lượng, vitamin, khoáng chất và một số loại thực phẩm nguyên chất) có xu hướng bước vào tuổi dậy thì sớm hơn.
Chất béo dư thừa tạo ra nhiều estrogen hơn. Sự gia tăng tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì góp phần phát triển giới tính sớm. Nhiều nghiên cứu khẳng định mối liên quan giữa trẻ thừa cân với dậy thì sớm và dinh dưỡng ở bé gái. Một loại hormone nam gọi là androstenedione được tạo ra ở tuyến thượng thận và buồng trứng được chuyển hóa trong tế bào mỡ thành estrogen.
Tế bào mỡ giống như nhà máy sản xuất estrogen. Khi cân nặng tăng lên thì nồng độ hormone cũng tăng theo. Chất béo dư thừa trong cơ thể làm thay đổi mức độ hormone insulin, leptin và estrogen, và những yếu tố này được cho là nguyên nhân khiến số trẻ dậy thì sớm tăng nhanh do béo phì.
Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ thúc đẩy sự phát triển của một số vi khuẩn chuyển đổi acid mật thành hormone giới tính. Thành ruột sau đó sẽ hấp thụ các hormone này và đưa chúng vào máu. Gan sản xuất acid mật để tiêu hóa chất béo. Chế độ ăn nhiều chất béo tạo ra nhiều acid mật được chuyển hóa thành hormone giới tính. Ngoài ra, không hoạt động có thể làm giảm mức độ melatonin, làm ảnh hưởng đến các tín hiệu trong não kích thích sự phát triển ở tuổi dậy thì.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể trẻ tuổi dậy thì
Ngay từ nhỏ, chế độ ăn của trẻ nên bao gồm nhiều loại thực phẩm thực vật tự nhiên nhất có thể, bao gồm rau xanh, bí, ngô, cà rốt, cà chua, hành tây, nấm, các loại hạt, quả bơ, đậu, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Quan trọng nhất là cần duy trì chế độ ăn này cho tới khi trẻ dậy thì và bước qua tuổi trưởng thành. Điều này có nghĩa là ăn uống lành mạnh cần được duy trì suốt đời.
Ở độ tuổi dậy thì, trẻ sẽ cần cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn. Một chế độ dinh dưỡng khoa học rất quan trọng để giúp trẻ giảm thiểu các bệnh lý cũng như các hội chứng tâm lý dễ mắc ở tuổi dậy thì. Trong giai đoạn này, bố mẹ nên chuẩn bị cho bé một thực đơn hàng ngày phong phú, giàu chất dinh dưỡng, cung cấp đủ năng lượng cho trẻ.
Tuổi dậy thì là giai đoạn bé cần nhiều năng lượng nhất, cụ thể là cung cấp năng lượng từ lượng calo có trong các thực phẩm. Trong độ tuổi dậy thì, trung bình một bé gái cần 2200 kcal, bé trai cần bổ sung 2800 kcal.
Protein - chất đạm: Là một dưỡng chất không thể thiếu giúp trẻ phát triển. Cung cấp protein cho trẻ bằng các thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, trứng, phô mai, tôm, cá.
Carbohydrate: Các loại thực phẩm chứa nhiều đường cùng tinh bột giúp cung cấp carbohydrate cũng rất cần thiết cho giai đoạn này, ví dụ như bánh mì, ngũ cốc, gạo, khoai, đậu, mì...
Lipid - chất béo: Là một trong những nhóm chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Góp phần cấu tạo các tế bào thần kinh, hormone... Nên chọn cho trẻ các loại chất béo lành mạnh như dầu oliu, dầu dừa, dầu gan cá, quả bơ.
Vitamin và khoáng chất: Đây là nhóm thiết yếu cho cơ thể trẻ tuổi dậy thì cũng như mỗi chúng ta. Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin và khoáng chất mà nhờ vào việc hấp thu qua các thực phẩm đa dạng mỗi ngày. Nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây để có đủ lượng khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể.
Các khoáng chất cần thiết quan trọng đối với trẻ tuổi dậy thì như natri, kali, canxi, magie, photpho, selen, sắt, mangan,...
- Sắt: Đây là một vi chất đặc biệt không thể bỏ qua trong giai đoạn dậy thì của trẻ. Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc tạo máu, mang oxy tới khắp cơ thể. Nhất là với bé gái, chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng dễ dẫn tới mất máu, vì vậy cần bổ sung sắt kịp thời. Các thực phẩm giàu sắt và protein như thịt, trứng, cá, các loại hạt,… nên đưa vào bữa ăn hằng ngày của trẻ.
- Canxi: Cần thiết cho sự phát triển chiều cao vượt trội của trẻ khi có sự kết hợp của vitamin D, trung bình mỗi trẻ ở tuổi dậy thì có thể cần từ 1.200mg canxi mỗi ngày.
- Kẽm: Tác động vào sự hoạt động của các enzyme, hỗ trợ hệ miễn dịch, bảo vệ các cơ quan trong cơ thể.
- Magie: Cần thiết cho chức năng của hệ tiêu hóa, ngoài ra còn tham gia kiểm soát lượng đường máu và duy trì sự chắc khỏe của xương.
- Selen: Giúp tăng cường miễn dịch, loại bỏ các yếu tố ngoại lai xâm nhập vào cơ thể.
3. Những lưu ý cần thiết để tăng cường sức khỏe cho trẻ dậy thì sớm
Khi bị dậy thì sớm nếu bé ít vận động sẽ ức chế phát triển của xương và các nhóm cơ dẫn tới tình trạng thấp còi, chậm lớn. Cha mẹ nên khuyến khích bé tham gia vào các hoạt động thể thao vừa giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể mà còn giúp cải thiện chiều cao cho bé.
Ngoài chế độ tập luyện, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý tới chế độ sinh hoạt của trẻ. Trẻ cần được ngủ đủ giấc, ít nhất 8 giờ mỗi ngày, đồng thời rèn luyện thói quen đi ngủ sớm, thức dậy sớm.
Các bệnh lý hay các hội chứng tâm lý dễ mắc ở tuổi dậy thì có thể được cải thiện nhờ chế độ tập luyện, sinh hoạt điều độ. Bố mẹ có thể cho bé tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, hoặc đăng ký các lớp học thể chất cho bé. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên dành thời gian cùng con tâm sự, khắc phục những thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì.
Ở tuổi dậy thì, trẻ em thường dễ bị thừa cân. Kiểm soát lượng chất béo từ dầu mỡ hay các món ăn vặt là biện pháp hiệu quả để tránh tình trạng này. Ngoài ra, hãy nhắc nhở trẻ uống đủ nước, ăn đủ 3 bữa, đặc biệt không bỏ bữa sáng.
Nguồn: suckhoedoisong