Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1-3 kêu gọi các quốc gia tiếp tục siết chặt các biện pháp ứng phó đại dịch.
"Nếu chỉ dựa vào vắc-xin thì các nước đang mắc sai lầm. Những biện pháp y tế công cộng cơ bản vẫn là nền tảng trong cuộc chiến chống Covid-19" - ông Ghebreyesus nhấn mạnh. Ngoài ra, ông chỉ trích các nước giàu tích trữ vắc-xin, cũng như việc ưu tiên tiêm chủng cho những người trẻ khỏe hơn, có nguy cơ nhiễm thấp hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đặc biệt lo ngại khi nhiều bang của nước này như Massachusetts, Missouri, Iowa… đang nới lỏng các biện pháp hạn chế nhờ chương trình tiêm chủng tăng tốc. Theo AP, tính đến nay, gần 20% người trưởng thành ở Mỹ (hơn 50 triệu người) đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 và 10% được tiêm đủ 2 liều.
Giám đốc CDC Mỹ, bà Rochelle Walensky, cảnh báo các biến thể virus SARS- CoV-2 rất dễ lây lan, đe dọa dẫn đến nguy cơ bùng phát thứ 4 ở Mỹ và hủy hoại hoàn toàn những nỗ lực phòng dịch lâu nay. Bà Walensky cho biết Mỹ hiện ghi nhận khoảng 70.000 ca mắc mới mỗi ngày, gần 2.000 ca tử vong/ngày vào tuần trước.
Theo đài BBC, có nhiều biến thể virus SARS- CoV-2 nhưng những biến thể được phát hiện đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil dường như dễ lây lan hơn. CDC dự đoán biến thể B.1.1.7 tìm thấy đầu tiên ở Anh sẽ trở thành chủng hoành hành mạnh ở Mỹ trong tháng này. Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 2-3 cho biết nước này đã có 6 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể được phát hiện ở Nam Phi. Các chuyên gia lo rằng các loại vắc-xin hiện nay có thể ít hiệu quả hơn với biến thể tại Nam Phi.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 1-3 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp "giấy thông hành xanh kỹ thuật số" từ tháng 3, cho phép người dân được di chuyển an toàn trong EU hoặc ngoài EU để làm việc hoặc du lịch. Đây là giấy tờ chứng thực đã tiêm vắc-xin, kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những người chưa được tiêm chủng và thông tin về sự phục hồi của đối tượng từng mắc Covid-19.