Cách sơ cứu đuối nước đúng nhất để cứu người

ngày 01/08/2020

Tai nạn đuối nước thường xảy ra do người không biết bơi ngã xuống nước, bị đuối sức do phải dầm người trong mưa, gió lạnh, đói, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút (vọp bẻ); người biết bơi nhưng bơi đã quá mệt; nước lũ dâng nhanh khiến người ta không kịp chạy lên chỗ cao; bị dòng nước chảy mạnh cuốn trôi... Cấp cứu ban đầu là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm, nạn nhân bị thiếu ôxy não, rất khó cứu sống sau đó.

Ảnh minh họa

Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nước. Nếu bé gặp nạn ở sông, ao hồ... sẽ rất hoảng loạn nên cần người biết bơi giỏi, chuyên nghiệp dùng vật dụng nổi để vớt lên và đưa vào bờ.

Trẻ cần được đánh giá xem còn thở không, nếu đã ngưng tim ngưng phổi thì thực hiện hồi sức tim phổi ngay tại chỗ.

Tiến hành ấn tim với lực ấn đạt chiều sâu 1/3 đến 1/2 bề dày lồng ngực. Nếu ấn nhiều quá trẻ sẽ gãy xương sườn, ấn nhẹ thì không hiệu quả. Lưu ý đặt vị trí ấn cho đúng. Bắt mạch ở các mạch máu lớn như nách, cổ, hoặc bẹn... nghe mạch nảy là có hiệu quả.

Ấn 15 cái, kiểm tra trẻ có thở không. Nếu bé không thở, ngực không di động thì phải hà hơi thổi ngạt. Trường hợp có một người thì ấn tim và hà hơi thổi ngạt theo tỷ lệ 30 lần ấn tim và 2 lần thổi ngạt. Nếu 2 người thì ấn tim 15 cái, thổi ngạt 2 cái. Khi hà hơi thổi ngạt mà lồng ngực nạn nhân không nhô lên thì phải kiểm tra lại.

Hồi sức tại chỗ vài phút cho tới khi bệnh nhân tự thở, mạch tự đập lại được, sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện nay các trung tâm cấp cứu ngoại viện cũng có thể điều động nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời. Nếu không ấn tim, thổi ngạt liên tục 5 phút thì trẻ sẽ tử vong. Tuyệt đối không được ngưng hồi sức rồi đưa trẻ đi cấp cứu.

Nếu có phương tiện vận chuyển như xe hơi thì trong lúc di chuyển đến viện cần đặt trẻ nằm, tiếp tục ấn tim hà hơi thổi ngạt liên tục trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế, không được gián đoạn.

Việc điều trị tiếp tục tại bệnh viện cũng rất cần thiết để chống suy hô hấp như sặc phổi, phù phổi cấp; chống hạ thân nhiệt, co thắt phế quản, loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Bồi phụ nước và điện giải điều chỉnh thăng bằng kiềm toan.


Nguồn: Báo Doanh Nghiệp