Báo động căn bệnh được xem là 'kẻ giết người thầm lặng' trong cuộc sống hiện đại

ngày 02/05/2020

Tăng huyết áp được xem là 'kẻ giết người thầm lặng' trong cuộc sống hiện đại

Nguy cơ tử vong vì tăng huyết áp

Anh Nguyễn Văn Trường – sinh năm 1982 không hề biết rằng mình mang trong mình ,, lúc nào cũng tự tin vào sức khỏe của mình.

Cách đây 2 tháng, anh Trường thấy người mệt mỏi, hay bị nhức đầu, trống ngực và ù tai. Anh vội vàng vào bệnh viện khám, bác sĩ cho biết anh bị tăng huyết áp, lên tới 180/120 mlhg. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ra biến chứng bất cứ lúc nào. Trường hợp của anh may mắn là tới bệnh viện kịp thời.

Không may mắn như anh Trường, anh Nguyễn Hà Đức – 40 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội được người thân đưa vào cấp cứu vì tình trạng đau đầu dữ dội. Khi vào viện bác sĩ cho biết anh Đức bị tai biến mạch máu não.

Anh Đức có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị triệt để vì chủ quan. Lúc nào anh Đức cũng nghĩ rằng đó là bệnh của người già và không có kế hoạch điều trị kịp thời.

Sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp đó là nhiều người không biết mình bị bệnh. Do đó, nhiều trường hợp đột tử nhưng trước đó 1-2 phút họ vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh.

Chính vì vậy, tăng huyết áp đã được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi bệnh không có những triệu chứng điển hình. Không phải lúc nào người mắc bệnh tăng huyết áp cũng thấy khó chịu.

Chị Vũ Thị Hải – Hà Đông, Hà Nội tâm sự, chồng chị vừa qua đời được 2 tuần vì bệnh lý tăng huyết áp ở tuổi 42. Công ty kinh doanh của vợ chồng chị làm ăn đang ổn định thì dịch bệnh, chồng chị lúc nào cũng căng thẳng, mất ngủ, áp lực.

Cuối cùng anh bị đột quỵ vì trước đó đã có bệnh tăng huyết áp. Dù được bác sĩ khuyến cáo dùng thuốc liên tục nhưng do chồng chị chủ quan nên dẫn tới tắc mạch máu não.

Sát thủ thầm lặng

Theo bác sĩ Lê Quốc Thiên Quyền – Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM, tăng huyết áp hiện tại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, rung nhĩ, bóc tách động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên.

Tình trạng tăng huyết áp tại Việt Nam đang có xu hướng tăng dần và trẻ hóa độ tuổi. Theo thống kê năm 2016, gần 50% người lớn trên 18 tuổi tại Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp.

Ngoài ra, tăng huyết áp còn được gọi là một “sát thủ giấu mặt” bởi bệnh diễn ra một cách âm thầm, không triệu chứng. Gần 2/3 số người mắc bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam không biết mình bị bệnh. Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt, làm việc bình thường mà không có triệu chứng gì trong một khoảng thời gian dài. Việc tăng huyết áp có thể chỉ được phát hiện tình cờ thông qua đo huyết áp ngẫu nhiên, khám sức khỏe định kỳ, có khi đã có biến chứng bệnh.

Bên cạnh đó, bác sĩ Quyền chia sẻ, một số bệnh nhân tăng huyết áp còn có tâm lí chủ quan, không điều trị đầy đủ, kiểm soát huyết áp chưa đạt mục tiêu, càng làm tăng sự nghiêm trọng của bệnh.

Sự nguy hiểm của bệnh lý này đó là triệu chứng có thể nhẹ nhàng, thoáng qua, và đa phần là không có triệu chứng. Các biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, có thể bao gồm: đau đầu, mệt mỏi hoặc lẫn lộn, giảm thị lực, đau ngực, khó thở, hồi hộp, tim loạn nhịp, tiểu máu, cảm giác đánh trống ở cổ, ngực hoặc tai, mất ngủ, ù tai, chóng mặt v.v

Tuy nhiên, những triệu chứng trên có thể lẫn lộn với các bệnh lí khác. Vì vậy, để chẩn đoán xác định, người bệnh cần được đo huyết áp, làm một số xét nghiệm và cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đầy đủ.

Để phòng tránh bệnh lý tăng huyết áp, bác sĩ Quyền khuyến cáo mọi người nên tăng cường sử dụng rau xanh, hoa quả, hạn chế lượng muối tiêu thụ mỗi ngày < 5g. Hạn chế sử dụng chất béo, bột đường, thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế rượu bia, chất kích thích, thuốc lá; tập thể dục thường xuyên. Tốt nhất là tránh căng thẳng, lo âu và nên khám sức khỏe định kỳ.


Nguồn: Báo Infonet