Theo bác sĩ (BS) Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM), những rắc rối khi bồi bổ hay gặp ở người cao tuổi, đúng là người già rất cần bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để giữ gìn sức khỏe nhưng sẽ rất phiền nếu hiểu lầm ý nghĩa của việc bồi bổ.
Hiểu sai về "bổ"
Sau một thời gian làm ăn thành công, anh M.T (ngụ quận 4, TP HCM) quyết định đón mẹ ở quê lên TP để phụng dưỡng tuổi già cho mẹ. Khi mẹ về sống chung, anh T. thường tìm mua cho mẹ đủ "của ngon vật lạ" để tẩm bổ. Dù được ăn nhiều đồ "bổ" nhưng mẹ anh T. lại không thấy khỏe, một hôm bà nói anh T. hãy chở bà đi khám BS, vì sao cứ thấy mệt mệt trong người.
BS ở BV cho biết mẹ anh T. vừa bị tăng huyết áp vừa tăng đường huyết, do trong thời gian qua ăn quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng, lại ít vận động.
Hai ông Tr.B.P và Tr.N.T (45 và 50 tuổi; ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) đã cùng nhau vào viện sau một bữa vì quý nhau mà đãi nhau rượu nhân sâm. Sau cuộc nhậu, dù uống không nhiều, cả 2 đều nhức đầu, do bị tăng huyết áp.
Chị M.A (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) thì hốt hoảng đưa con trai 5 tuổi đi khắp nơi vì nghĩ cháu đã bị bệnh gan nặng. Cậu bé nhìn khá khỏe mạnh nhưng da bị vàng thấy rõ. "BS của BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết do cháu đã bị cho ăn quá nhiều cà rốt và bí đỏ. Chẳng là tôi sợ cháu thiếu vitamin A sẽ bị cận thị, nên bữa cơm nào cũng có món rau, củ màu đỏ, cam" - chị A. chia sẻ.
Theo các BS, hầu hết các rắc rối trên xuất phát từ việc một số người nghe cái gì bổ thì... cố gắng nạp cho nhiều. Điều này không đúng. Theo BS Trương Quang Anh Vũ, bồi bổ không có nghĩa là ăn nhiều "của ngon vật lạ". Mức chuyển hóa của cơ thể ở người lớn tuổi đã giảm, dễ dẫn đến rối loạn dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, dễ dị ứng với các món lạ... Ăn uống bổ dưỡng ở người lớn tuổi thực ra là bữa ăn đa dạng, về đạm thì cần ưu tiên món cá, vì có nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, ngoài ra nên có nhiều rau xanh, trái cây đủ loại để cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết.
Còn tình huống trẻ vàng da do bị bồi bổ quá mức. Vàng da chính là do beta-carotene, tiền chất vitamin A trong rau củ màu đỏ, cam, vàng... Đa số tự hết sau một thời gian giảm ăn, tuy nhiên để bị hoài chắc chắn không nên. Với trẻ nhỏ, các BS nhi khoa cho rằng chỉ cần ăn đa dạng, vừa về lượng, không lạm dụng thức ăn nhanh và đồ ngọt là bảo đảm khỏe mạnh.
Ăn sao nên thuốc
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, cho biết các loại dược liệu trong đông y cũng là thuốc. Vì vậy tự ý ngâm rượu hay nấu ăn có bổ sung các loại dược liệu thì cũng cần tìm hiểu để sử dụng đúng mục đích và liều lượng.
Lưu ý rượu thuốc không phải để nhậu, mà chỉ uống mỗi ngày vài chục ml như một loại thuốc bổ và phải dùng đúng loại phù hợp với sức khỏe của mình. Nghe cái gì "bổ" cũng đem ngâm, rồi uống cho nhiều thì riêng việc uống nhiều rượu thôi đã đủ hại sức khỏe, chưa kể đến các hậu quả của việc dùng sai, quá liều thuốc.
"Một số vị thuốc có thể đem kết hợp với các món ăn được nhưng để có lợi thì cũng nên tra cứu cách nấu, tham khảo người có chuyên môn. Nếu cơ thể không có bệnh thì cũng không cần bổ sung vị thuốc gì hết, cứ ăn uống cân bằng, ăn đa dạng mọi loại thức ăn, chế biến sạch sẽ... là đã đủ khỏe rồi" - lương y Đinh Công Bảy nhấn mạnh.
Căng thẳng vì rối loạn ăn uống
Một nghiên cứu mới đây công bố trên tạp chí khoa học Appetite, thực hiện bởi Đại học York (Toronto, Canada) cho biết có những người mắc phải tình trạng bị rối loạn ăn uống. Người mắc bệnh thường tốn rất nhiều thời gian vào việc lập kế hoạch ăn uống sao cho đúng cách. Điều này đã ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội vì khi đến một buổi tiệc, một quán ăn, người bị rối loạn ăn uống nhìn đâu cũng thấy những thức ăn "không lành mạnh". Bản thân họ luôn căng thẳng vì chuyện ăn sao cho khỏe. Rơi vào trường hợp này cần phải sớm đi gặp BS tâm lý.